Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ

16:11, 14/04/2015

Hòa chung không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước đang long trọng tổ chức các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hằng - người Đại đội trưởng từng tham gia trinh sát đường chiến dịch Tây Nguyên và Hồ Chí Minh năm xưa. 

Đi cùng tôi đến nhà ông Hằng hôm đó là ông Hoàng Đức Học, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, đồng thời cũng là người đồng đội cùng chiến đấu trong chiến trường miền Nam với ông Hằng. Hai người lính gặp nhau tay bắt mặt mừng, niềm vui không kể siết.

 

Ông Hằng năm nay đã 74 tuổi, quê ở Ninh Bình. Hiện nay, ông đang cư trú tại tổ 19, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Sau một hồi trò chuyện, ông biết ý định của tôi muốn được nghe ông kể về những kỷ niệm đời lính khi tham gia chiến trường miền Nam. Ông vui vẻ nói: Tôi có rất nhiều kỷ niệm khi còn tham gia chiến dịch, nhưng có những kỷ niệm sâu sắc mà đến tận bây giờ tôi không bao giờ quên. Đó là vào khoảng tháng 5-1974, khi ấy ông giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 2, trực thuộc mặt trận Tây Nguyên được giao nhiệm vụ chính là tiêu diệt, gây sức ép không cho địch chi viện lên phía Bắc đường 5 (hay còn gọi là tỉnh lộ 5). Chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng, dưới sự chỉ huy của ông, cả Đại đội đã liên tục bám đường, tiêu diệt toàn bộ 32 chiếc xe các loại của địch khiến chúng vô cùng hoảng loạn.

 

Một kỷ niệm luôn luôn khắc sâu trong tâm trí mà ông kể cho chúng tôi nghe: tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu mở màn, lúc này nhiệm vụ của Đại đội là khống chế, tiêu diệt đồn Đức Lập, bảo vệ và dẫn đường pháo 37 đưa vào Buôn Mê Thuột. Trong khi đang làm nhiệm vụ thì gặp bọn bảo an của Ngụy cản trở, ông liền ra lệnh cho hạ nòng pháo 37, bắn thẳng để xua đuổi bọn bảo an và dẫn pháo 37 vào cùng chiến dịch. Tháng 4-1975, cả Sư đoàn được tập kết để vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với Lữ đoàn 7 công binh, Quân đoàn 3 lại tiếp tục mở đường chiến dịch Hồ Chí Minh. Riêng Đại đội của ông chia làm hai mũi, một mũi đi thẳng vào cầu Bông, một mũi đi cầu Sáng (thuộc huyện Củ Chi, ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh) cùng với Sư đoàn đưa xe tăng, pháo binh và các phương tiện vào đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu, bảo đảm cho các phương tiện đánh thẳng vào ngã 6 (quận Gò Vấp). Lúc này, bọn Ngụy chạy tán loạn, bỏ lại xe, vũ khí các loại gây tắc nghẽn đường, làm cản trở bước tiến công của quân ta. Ông cùng đơn vị lại được giao nhiệm vụ thông đường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để quân ta đánh thẳng vào trung tâm điều hành chỉ huy quân Ngụy. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ông bảo: “Lúc đó ai nấy đều rất sung sướng, không thể nói lên được cảm xúc của mình”.

 

Với những chiến công trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Hằng được Đảng, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến dịch Xuân - Hè năm 1975.

 

Trở về từ cuộc chiến, không ngừng phát huy những phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, năm 1989, ông lại tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương, 18 năm liền làm bảo vệ tổ dân phố, góp phần giữ vững an ninh ngõ xóm, được mọi người tin yêu. Theo ông Hằng, so với các phường, xã khác trên địa bàn Thành phố thì khoảng những năm 2000, Hoàng Văn Thụ là phường có tình hình an ninh khá phức tạp, đặc biệt là khu vực đường Phủ Liễn- nơi được coi là tụ điểm của những kẻ buôn bán ma túy. Trước tình hình đó, ông được Công an phường và bà con trong tổ dân phố tín nhiệm bầu làm Trưởng ban bảo vệ tổ dân phố 19.

 

Ông kể: Khi đó Ban bảo vệ tổ 19 có 3 người, chính ông là người thường xuyên lên kế hoạch để đi tuần vào ban đêm trong tổ và báo cáo lại kế hoạch đó cho Công an phường được biết, nhất là vào những ngày lễ, tết nạn trộm cắp, buôn bán ma túy  thường xảy ra nhiều hơn, ông đã cùng các thành viên trong tổ bảo vệ dân phố bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội. Điển hình nhất là vào năm 2006, ở khu Phố chó (đường vào chùa Phù Liễn) là nơi các đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy hoạt động ngày đêm, ông và các thành viên trong ban bảo vệ tổ dân phố phối hợp cùng với lực lượng Công an phường tiến hành giải tỏa những tụ điểm nóng mà các đối tượng thường hay lui tới, nhất là khu vực dưới chân tượng đài. Ban đầu, các đối tượng chống trả quyết liệt nhưng với sự mưu trí và quyết tâm, ông và lực lượng Công an phường đã giải tỏa thành công, nhanh chóng bắt giữ các đối tượng phạm tội, trả lại sự bình yên cho khu phố. Cũng trong lần đó, ông đã được tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

 

Ông Hoàng Đức Học, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hoàng Văn Thụ nhận xét: Ông Hằng là người lính luôn giữ vững và phát huy phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn động viên mọi người và con cháu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hàng năm, Chi hội Cựu chiến binh tổ 19 do ông là Chi hội trưởng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và được cấp trên khen thưởng...