Những ngày này, giai điệu bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao thường ngân lên trong tôi. Kìa nắng vàng như tơ, đàn chim én bay, làn khói bếp yên bình… Quê hương đáng yêu biết bao trong mùa Xuân đầu tiên non sông thu về một mối.
Mùa Xuân 1975 đi vào lịch sử dân tộc
Thế mà đã 40 năm. Những đứa trẻ sinh năm Ất Mão đang ở tuổi sung sức của đời người. Đất nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh đã nhảy vọt về kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
Dù thời gian có phủ dày, cuộc sống đổi thay đến mấy, cũng không làm người Việt Nam nguôi quên một thời canh cánh nỗi niềm chia cắt, một thời cả miền Nam oằn mình gánh chịu thương đau.
Đứng trên cầu Hiền Lương thơ mộng, ngắm dòng sông Bến Hải hiền hòa (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), tôi cảm nhận được nỗi đau chia cắt 21 năm đằng đẵng (từ 1954 đến 1975). Khó có thể kể hết nỗi đau tinh thần và máu xương của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống nơi này.
Nhìn lên bầu trời xanh thẳm, có lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang bay trong gió, ông Đinh Như Quang, cựu chiến binh thôn Hiền Lương khoát tay chỉ cho tôi vùng đất xung quanh:
- Đây được mệnh danh là nơi hứng “mưa bom, bão đạn”. Cả vùng này không còn một lùm cây to, không một mái nhà nguyên vẹn. Bà con xóm Hiền Lương chúng tôi đào hầm sống trong lòng đất. Mỗi nhà là một căn hầm chữ A. Hàng nghìn con hào chằng chịt nối hầm với hầm, nối xóm với cánh đồng, xóm với xóm, dân làng vừa sản xuất vừa chiến đấu.
Con số thống kê ở nhà Trưng bày di tích đầu cầu Hiền Lương ghi những dòng đau lòng: Đã có khoảng 1 triệu tấn bom dội xuống hai bờ sông Bến Hải, riêng thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972 đã phải hứng chịu số bom đạn tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Viết đến đây tôi lại nhớ đến lời cô hướng dẫn viên ở Thành cổ Quảng Trị: “mỗi nhát cuốc đào móng xây nhà, đặt tuyến cáp quang… đều phải nhẹ tay vì có thể đụng vào xương cốt những người ngã xuống trong chiến tranh”. Những cái tên như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Nghĩa trang liệt sĩ đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn luôn làm trái tim người đang sống nhói đau.
Máu xương đã đổ xuống cho tự do độc lập đơm hoa kết trái. Ngày cả nước phá ách gông cùm đã điểm. Sau Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi, 16 tỉnh lần lượt được giải phóng. Để mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4, có những người lính giữ cầu, diệt bốt.
Tôi may mắn được gặp một số CCB trực tiếp cầm súng đánh chiếm và giữ Cầu Bông, mở đường cho cánh quân vào Sài Gòn chiếm Bộ Tổng tham mưu và Khu Bộ tư lệnh các binh chủng của địch.
Đại tá Nguyễn Đình Tất (huyện Củ Chi, T.P Hồ Chí Minh) nhớ như in kỷ niệm:
- Trong lúc chúng tôi đánh Cầu Bông thì Sư đoàn 320 đánh vào căn cứ Đồng Dù, địch chạy tán loạn, Cầu Bông đã bị quân ta kiểm soát nên chúng lội như vịt qua đầm, vượt kênh An Hạ để chạy trốn. Sáng sớm ngày 30-4, tôi cùng anh Hùng (Chỉ huy Tiểu đoàn) và 2 chiến sĩ đi kiểm tra trận địa, thấy có một tên rất to béo lóp ngóp dưới đầm. Anh Hùng ngoắc nó lên hỏi:
- Mày ở đơn vị nào?
- Dạ em ở Sư đoàn dù 25 ạ.
- Mày làm gì?
- Em là Trung tá, tham mưu trưởng sư dù ạ.
Anh Hùng dí súng vào bụng nó quát:
- Mày nói láo.
- Dạ dạ, em là Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn dù 25.
Anh Hùng ra lệnh:
- Mày kêu gọi lính của mày bỏ súng đầu hàng ngay.
Lý Tòng Bá khum tay nói: “Tôi là Lý Tòng Bá, tôi kêu gọi anh em bỏ súng đầu hàng để hưởng sự khoan hồng”. Bọn lính từ dưới đầm, kênh lóp ngóp chui ra, xếp hàng ba mà dài đến gần cây số.
Hành trình đổi mới
Trong suốt chuyến xuyên đi Việt của mình, đến địa phương nào chúng tôi cũng thấy, cũng nghe về cuộc chiến đấu anh dũng, sự mất mát bởi chiến tranh. Nhưng cũng ở chính nơi đó, cuộc sống tươi đẹp đã thay thế chiến trường khốc liệt.
Có một nơi bỏng rát nắng gió là tỉnh Ninh Thuận. Đi theo đường ven biển dài hơn 100km, tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng đang gấp rút hoàn thành mừng ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4), chúng tôi ngỡ đang ở trong một giấc mơ. Con đường như dải lụa kề bên mặt biển xanh. Nơi đây có làng chài Sơn Hải anh hùng, có ngọn hải đăng Mũi Dinh 100 năm tuổi vẫn đêm đêm tỏa sáng cho tàu thuyền về bến, có cồn cát di động mỗi năm 2 lần khi thì tiến sâu vào đất liền, khi thì lại lùi dần ra phía biển. Không chỉ có cảnh quan đẹp, nhiều làng nghề độc đáo, Ninh Thuận nổi tiếng bởi rượu nho, mít, mực một nắng; bởi đồ gốm làng Chăm Bầu Trúc và nét văn hóa dân tộc đa dạng. Sau 40 năm giải phóng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Ninh Thuận đạt 11,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt gần 1.700 USD (tăng 12,7 lần so năm 1991).
Trở lại Vĩnh Linh, mảnh đất hoang tàn đổ nát nay lại là huyện dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới của Quảng Trị. Ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thành say sưa nói về vai trò của CCB trong xây dựng nông thôn mới. Xóm Hiền Lương của ông năm xưa đường sá lầy thụt, nhà ở lụp sụp, nay trở thành xóm điển hình đổi mới, có trung tâm cộng đồng, đường trải bê tông vào đến từng nhà.
Sự đổi thay sau 40 năm thống nhất hiển hiện trên khắp đất nước. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người c?a cả nước đạt xấp xỉ 2.000USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 8% năm 2014. Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Thành công của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Theo Liên hợp quốc, quá trình đổi mới được Đảng khởi xướng năm 1986 khiến đất nước đạt được bước tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Đặc biệt Hà Nội, trái tim yêu quý của Tổ quốc, thành phố hơn 1000 năm tuổi nay đã rộng hơn, đẹp hơn, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa khoa học, công nghệ hàng đầu. Hà Nội còn là thành phố hòa bình, luôn hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Thái Nguyên, quê hương cách mạng
Đi suốt rộng dài đất nước, chúng tôi trở về Thái Nguyên, quê hương cách mạng. Căn cứ lòng dân vững chắc trong kháng chiến chống Pháp, sẵn sàng chi viện sức người sức của cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Cũng là một Thái Nguyên năng động, hiện đại hôm nay.
Chỉ tính năm 2014, Thái Nguyên đã đạt nhiều cái nhất: Là tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI; thu hút tập đoàn Sam Sung đầu tư 6,4 tỷ đô la Mỹ xây dựng thành địa điểm sản xuất linh kiện điện tử mạnh nhất toàn cầu; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 18,6%, cao nhất từ trước đến nay; giá trị sản xuất công nghiệp tăng đột biến với 160 nghìn tỷ đồng; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trước thời hạn; lần đầu tiên Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết mua thẻ Bảo hiểm y tế cho 100% hộ cận nghèo.... Đặc biệt, nông thôn Thái Nguyên đang có bước chuyển mạnh mẽ. Đến hết quý I năm 2015, tỉnh có 14 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, phấn đấu đến hết năm 2015 có 35 xã trở lên đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Đời sống của đồng bào thiểu số được quan tâm đặc biệt. Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản có nhiều dân tộc Mông sinh sống” đã đem đến cho đồng bào dân tộc Mông 15 tuyến đường kiên cố, cải thiện đáng kể điều kiện giao thông cho bà con.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Nhạc sĩ Văn Cao đã nói hộ tôi về cách tri ân quá khứ bằng sống tốt hơn với hiện tại và tương lai.