Toàn tỉnh hiện còn 325 dũng sĩ diệt Mỹ, 124 dũng sĩ diệt cơ giới, 646 dũng sĩ quyết thắng, 111 chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, 3.368 đồng chí đã trực tiếp tham gia chiến đấu từ 1 đến 4 chiến dịch lớn (từ Tết Mậu Thân 1968 đến ngày 30-4-1975) hiện đang sinh sống trên địa bàn.
40 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, những cựu chiến binh (CCB) vẫn luôn gìn giữ và phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đóng góp công sức vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được nhân dân tin tưởng, quý trọng…
Ký ức người lính
40 năm đã qua nhưng ký ức về những ngày tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn in đậm trong tâm trí người cựu đặc công Hoàng Minh Châu ở thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ). Nhập ngũ năm 1961 khi vừa tròn 20 tuổi, ông Châu đã trải qua nhiều vị trí trên khắp chiến trường Tây Nguyên suốt từ năm 1963-1975. Trong đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi ông cùng với Trung đoàn Đặc công 198 tiến công vào giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk. Ông kể: Lúc đó, lực lượng đặc công chúng tôi nhận nhiệm vụ luồn sâu, đánh chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng trên hướng chủ yếu ở Buôn Ma Thuột, nghi binh, kiềm chế, chia cắt địch ở Pleiku, Kon Tum. Từ ngày 4-9/3/1975, bộ đội ta tác chiến nghi binh tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch. Đêm ngày 9, rạng ngày 10-3-1975, lực lượng đặc công của Trung đoàn 198 chúng tôi bất ngờ, đồng loạt tiến công sân bay thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình… của quân ngụy. Sau khi tiến công, chúng tôi cùng với lực lượng bộ binh của ta đã tổ chức chiếm giữ mục tiêu, chống lại những đợt phản kích của địch, tạo bàn đạp thuận lợi cho binh chủng hợp thành tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Còn đối với CCB Dương Tố Hoàn, ở xóm Soi 2, xã Nhã Lộng (Phú Bình), kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt những năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam lại là chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Nhớ lại thời khắc đó, ông Hoàn xúc động: Đầu năm 1968, đơn vị tôi đang chiến đấu ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khi đó, cả Đại đội được trang bị 18 khẩu pháo 85mm nhưng sau khi bị máy bay đánh phá ác liệt vào trận địa, 10 khẩu trong số đó đã bị hỏng hoàn toàn. Với 8 khẩu pháo còn lại, chúng tôi vừa tự sửa chữa, vừa dùng đất đỏ hòa với nước để trát lên pháo và cả người để đánh lạc hướng máy bay do thám của địch. Tưởng đã tiêu diệt hoàn toàn được đơn vị, quân địch dừng bắn phá, nhờ đó, chúng tôi bảo toàn được lực lượng để tiếp tục chiến đấu trong những ngày tiếp theo.
Không chỉ ông Châu, ông Hoàn mà nhiều CCB khác chúng tôi được tiếp xúc, khi nhớ về những ngày tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trong mắt ai cũng ánh lên niềm tự hào sâu sắc. Họ nhớ về những trận đánh, những chiến công, tình cảm của nhân dân miền Nam và không có bất kỳ ai trong số họ nhắc đến những gian khổ, khó khăn, nỗi sợ hãi. Bởi có lẽ trong lòng mỗi CCB, được cống hiến cho đất nước là một niềm tự hào, vinh quang.
Viết tiếp trang sử hào hùng
Trở về từ chiến trường miền Nam, dù công tác ở những địa phương khác nhau nhưng các CCB trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CCB và người có công. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 670 tổ tiết kiệm vay vốn do các hội CCB nhận ủy thác cho gần 20.000 hộ vay với số dư nợ đạt trên 429 tỷ đồng. Cùng với đó, các CCB đã tự huy động tiền và cho nhau vay phát triển kinh tế với tổng số vốn là gần 20 tỷ đồng. Đây là nguồn lực đã được khai thác và sử dụng hiệu quả trong thời gian qua, góp phần giúp các CCB vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Toàn tỉnh hiện có 332 trang trại, giai trại, 116 hợp tác, tổ hợp tác kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ. Từ năm 2010 đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trong Hội CCB đã giảm từ 6,97% xuống còn 3,63%...
Cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân, hội viên hội CCB các cấp đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Đảng ủy, chính quyền các cấp phát động. Trong 5 năm qua (2010-2014), hội viên CCB trong toàn tỉnh đã ủng hộ, quyên góp được hơn 13,6 tỷ đồng, hỗ trợ làm mới 364 nhà tình nghĩa, tặng 145 sổ tiết kiệm tình nghĩa, đỡ đầu và tạo việc làm cho 264 cháu là con thương binh, liệt sĩ. Tích cực ủng hộ phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp hội CCB trong tỉnh đã chủ động bám sát các tiêu chí liên quan đến hội viên, gương mẫu hiến đất, hiến công, đối ứng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. 5 năm qua, đã có trên 4.500 gia đình CCB tự nguyện hiến gần 500.000m2 đất và khoảng 733.000 ngày công lao động trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng đường bê tông nông thôn, nhà văn hóa…
Trong thời điểm cả đất nước đang tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), những CCB đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ Tổ quốc sinh sống trên địa bàn tỉnh lại có thêm một niềm vui. Đó là vào ngày 23-4 này, UBND tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt các 150 CCB tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ nhằm tôn vinh những đóng góp của các CCB trong kháng chiến và thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau dành cho những người đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, khích lệ, động viên các CCB, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…