Chuyện kể ở lòng chảo Điện Biên

16:35, 06/05/2015

Bên cửa hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi cùng những cựu chiến sĩ Điện Biên tỉnh Thái Nguyên xếp thành hàng ngang, lắng nghe cô gái Thái - một hướng dẫn viên du lịch - thuyết trình bằng chất giọng đầy cảm xúc về một thời hoa lửa, cha ông ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đã sang tháng Năm, nắng rực rỡ mang theo hơi nóng nồng nàn gợi cho mọi người luyến nhớ về loài hoa đặc trưng của miền Tây Bắc. Đó là loài hoa ban trắng mịn và đằm duyên như nụ cười sơn nữ. Hoa ban tàn rồi hoa ban nở, cứ trẻ trung, tươi tắn như để xoa dịu nỗi đau thương tích đạn bom hằn in trên khắp núi rừng. Và như để nhắc nhớ các thế hệ người Việt Nam về một mùa hoa ban lịch sử năm 1954, hàng vạn người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên, hành quân qua những con đường mòn bên dòng Nậm Pô, Nậm Mức (Điện Biên Phủ), ngược bên cuồn cuộn chảy của dòng sông Đà, sông Mã mà chẳng màng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

 

Đã 61 năm rồi, những chàng trai mười tám, đôi mươi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi lên lão, vậy mà khi trở lại thăm chiến trường xưa, ai nấy chân hăng hái bước, tâm hồn sảng khoái, mắt nhìn lên mờ xa của đỉnh núi Phú Hồng Mẹo và đỉnh Tây Trang, 2 đỉnh núi cao nhất của những dải núi đất, núi đá ôm lấy một vùng đất rộng lớn, tạo thành lòng chảo Điện Biên. Ông Nguyễn Đức Chính, Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ huyện Đồng Hỷ có lần nói với chúng tôi: Những cánh rừng đầy hoa ban nở đã trở che cho bộ đội, dân công từng ngày tiến đến gần hơn nơi quân địch đồn trú, để từ các vị trí xung yếu, quân ta nã đạn vào đầu thù.

 

Dưới tán hàng cây tếch rợp mát chiều tháng Năm, những cựu chiến sĩ Điện Biên Thái Nguyên bước thành hàng một, lặng lẽ đặt chân lên từng bậc đá để lên đỉnh đồi A1. Dang rộng cánh tay bịt lại nòng khẩu pháo của chiếc xe tăng “Bazeilie” của địch bị Đại đội 674, Đại đoàn 316 tiêu diệt vào sáng ngày 1-4-1954, ông Nguyễn Hùng Trương, phường Thắng Lợi (T.X Sông Công) xúc động kể: Đồi A1, nơi trận chiến xảy ra ác liệt nhất trong toàn chiến dịch. Để tiêu diệt quân địch cố thủ ở đây, 25 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn công binh 151, Đại đoàn 351 do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ trực tiếp chỉ huy. Hầm được đào từ ngày 20-4 đến 5-5 thì hoàn thành và gần 1 tấn bộc phá được bộ đội ta đưa vào, khai hỏa, tiêu diệt phần lớn quân địch ở đây. Tiếng nổ của khối bộc phá còn là hiệu lệnh cho bộ đội ta tổng công kích đợt cuối cùng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

 

Bên mộ chí vô danh trên đỉnh đồi A1, ông Nông Thanh Đạt, xã Nam Tiến (Phổ Yên), ông Đặng Bá Vượng, xã Hùng Sơn (Đại Từ) và các cựu chiến sĩ Điện Biên lặng lẽ thắp nén hướng nhớ người đồng đội. Ai nấy nghẹn lòng, thương bạn phải nằm lại nơi đây, và dưới kia là chân đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ trắng màu vôi, bao cán bộ, chiến sĩ đã nằm lại, không một dòng tên, nhưng luôn ấm áp khói hương của tình người. Giây lát xúc động nguôi ngoai, ông Đạt cho biết: 21 tuổi, tôi tham gia quân đội, được biên chế vào Sư đoàn 312. Đơn vị tôi vinh dự là lực lượng đánh trận mở màn tại cụm cứ điểm Him Lam và cũng là đơn vị đánh trận kết thúc. Còn ông Vượng cho biết thêm: Tôi cũng là lính Sư đoàn 312, Sư đoàn tự hào có những người lính trực tiếp bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của Pháp ở Điện Biên Phủ.

 

Đại tá Trương Minh Tú, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Thái Nguyên nói với chúng tôi như tâm sự: Trở lại Điện Biên Phủ lần này, Đoàn gồm cựu chiến sĩ Điện Biên ở các đơn vị: 316, 308, 312, 304, 351... 316 có 7 đồng chí; 308 có 4 đồng chí; 312 có 5 đồng chí; 304 có 1 đồng chí; 351 có 4 đồng chí và 15 đồng chí ở các tiểu đoàn độc lập, thuộc các binh chủng công binh, trinh sát, thông tin. Mỗi cựu chiến sĩ Điện Biên vừa là người trong cuộc, đồng thời là nhân chứng sống của lịch sử. Ngoài ra còn có 6 người là cựu thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy tuổi cao, sức khỏe có hạn, nhưng mọi người trong Đoàn đều phấn chấn vì được trở lại nơi mình từng sống, chiến đấu và cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

 

Ông Nguyễn Quang Vinh, phường Phổ Cò (T.X Sông Công) tự hào: Tôi nhập ngũ năm 18 tuổi, được biên chế vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, làm lính bộ binh, tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ và tiếp tục phục vụ trong quân đội đến năm 1981 thì nghỉ hưu. Còn ông Đặng Văn Kính, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) khiêm tốn cho biết: Tôi là bộ đội lái xe, lúc chuyển quân, khi chuyển lương thực, vũ khí đạn dược phục vụ chiến dịch. Để tránh máy bay địch và bảo đảm an toàn quân, lương, đơn vị chúng tôi thường phải chạy xe vào ban đêm. Có khi cả đêm gầm ghì ga, số, nhiều đoạn phải nhờ anh chị em dân công đẩy hỗ trợ, xe mới đi được hơn chục cây số.

 

Những dốc đèo Pha Đin, Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Nhiều ngày liên tục, chúng ném xuống mặt đường từ 160 đến hơn 200 quả bom/ngày. Thắp nén nhang trước tượng đài Thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi, nơi 100 thanh niên xung phong thuộc Đội 40 và Đội 34, Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương đã anh dũng hy sinh trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông Nguyễn Thanh Tuân, xã Cao Ngạn (Đồng Hỷ) kể: Ban ngày, địch đánh phá cực kỳ ác liệt, anh em xung phong thường phải sơ tán sang khu rừng gần đó để tránh bom. Ban đêm, cả đơn vị lại hò nhau ra san lấp mặt đường, gian khổ mà vinh dự. Cũng ở đây, tôi 1 lần bị bom vùi, may mắn được đồng đội đến moi lên từ trong đất đá... Trước tấm bia Di tích đèo Pha Đin, ông Lê Đăng Tạo, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) cựu thanh niên xung phong cho biết thêm: Nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lên Điện Biên Phủ, địch đánh phá xuống đoạn đường này rất ác liệt, nhưng chúng tôi, những thanh niên xung phong đi mở đường không quản hiểm nguy, luôn có mặt ở hiện trường. Do phải làm việc vào đêm tối, nên cứ 1 đoạn lại có 1 người cầm đuốc soi lấy ánh sáng cho mọi người troòng xà beng đục đá, quai búa, cuốc cào san lấp mặt đường. Mỗi khi có máy bay địch, anh em mang giấu bó đuốc vào hốc đất, đá bên đường. lúc máy bay địch đi xa, cả mặt đường rộn vang tiếng hò hát, tiếng quai búa phá đá mở đường. Khi xe vận chuyển quân, lương đi qua, chúng tôi đứng bên đường, phía bờ vực để làm cột mốc sống cho xe đi an toàn.

 

Đường lên Điện Biên hôm nay đã mở mang rộng rãi cho những chuyến xe đi ngược về xuôi an toàn. Và mỗi ngày, từ Hà Nội đã có những chuyến phi cơ lên Điện Biên Phủ và ngược lại, khoảng cách từ miền Tây Bắc về Thủ đô Hà Nội cũng như được rút lại gần hơn. Những cựu chiến sĩ Điện Biên Thái Nguyên và cả nước cũng có nhiều thuận lợi hơn khi trở về thăm lại chiến trường xưa, được nghe những người con Điện Biên kể cho nghe chuyện các cụ đánh đuổi giặc ra khỏi lòng chảo Điện Biên, giải phóng đất nước.