Củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt

08:38, 05/05/2015

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin), Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman (Mi-lô-xơ Dê-man) và Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan (A-déc-bai-gian) Ilham Aliev (In-ham A-li-ép), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ tham dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga (7-10/5/2015), thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Séc (10-13/5/2015) và thăm chính thức Cộng hòa Azerbaijan (13-15/5/2015).

* Việt Nam- Liên bang Nga, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

 

Ngày 30/01/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Ngày 01/03/2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Ngày 27/7/2012, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ chính trị Việt – Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

 

Từ năm 2008 Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng - An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, hai Bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai Bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)..., đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Nga. Việt Nam đã hỗ trợ tích cực để Nga chính thức được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM) tháng 10/2010 và tham gia Cấp cao Đông Á từ năm 2011.

 

Quan hệ kinh tế - thương mại, Việt Nam- Liên bang Nga thời gian qua phát triển năng động, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế- thương mại và khoa học-kỹ thuật thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Hội đồng doanh nghiệp Việt – Nga được thành lập nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường năm 2007. Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu ( Nga , Belarus , Kazakhstan ) đã ký Tuyên bố chung cơ bản về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) vào ngày 15/12/2014, dự kiến ký chính thức vào nửa đầu năm 2015.

 

Hiện Nga đứng thứ 17/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 106 dự án và tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo... và tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, viễn thông, với một số dự án lớn như Ngân hàng Việt- Nga (VRB)... Đầu tư của Việt Nam sang Nga từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, hiện Việt Nam có 19 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư là 2,47 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại... Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội tại Mát-xcơ-va. Bên cạnh đó, năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam , Nga và các nước thứ ba. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam .

 

Các hoạt động giao lưu văn hoá được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai Bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam . Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, năm 2015 Nga cấp cho Việt Nam trên 795 học bổng. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga.

 

Trong những năm qua, hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh-quốc phòng được đẩy mạnh, khoa học kỹ thuật tiếp tục được duy trì, hợp tác địa phương được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có khoảng 60-80 nghìn người và có những đóng góp đáng kể cho đất nước, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện. Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội sinh viên tại Mát-xcơ-va, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội võ thuật, các Hội đồng hương…

 

Cơ sở điều ước pháp lý mới cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được tạo dựng khá đầy đủ và đang tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 1991 đến nay đã có trên 100 văn kiện hợp tác được ký kết thuộc tất cả lĩnh vực như kinh tế- thương mại, đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân, giáo dục-đào tạo, văn hóa-khoa học, kỹ thuật quân sự.

 

* Việt Nam và Cộng hòa Séc, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt

 

Việt Nam và Cộng hòa Séc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/2/1950. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp tốt tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Nhân chuyến thăm Séc tháng 7/2014 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, hai Bên đã ký Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Séc.

 

Những năm gần đây, thương mại giữa hai nước có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như: cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính… Việt Nam nhập khẩu từ Séc: hàng điện tử, công nghiệp tiêu dùng, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, thuốc, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thuỷ tinh… Năm 2012, Séc công bố Chiến lược xuất khẩu quốc gia 2012-2020, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách 12 thị trường ưu tiên (nước duy nhất trong ASEAN).

 

Tính đến nay, Séc có 36 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 64 triệu USD, tập trung vào các các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng... Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có triển vọng (thế mạnh của Séc) là năng lượng, giao thông (đầu máy xe lửa, toa xe, xe buýt, xe điện phục vụ giao thông thành phố), cơ khí (máy móc thiết bị, động cơ, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu). Séc thường xuyên tham gia các Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là nước Đông Âu đầu tiên liên tục cấp ODA cho Việt Nam .

 

Hiện Chính phủ Séc tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam (từ năm 1999 mỗi năm Séc cấp 4-5 học bổng). Hai bên đã ký Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2008-2011 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Séc tháng 3/2008. Năm 2007, hai bên đã trao đổi dự thảo Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Phát triển vùng của Séc.

 

Hiện có khoảng hơn 60.000 người Việt Nam sinh sống tại Séc. Về cơ bản, chính quyền Séc tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt cư trú, kinh doanh theo pháp luật. Ngày 3/7/2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.

 

* Việt Nam và Azerbaijan , quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp

 

Việt Nam công nhận độc lập của Azerbaijan (A-déc-bai-gian) ngày 27/12/1991, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1992. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp hành động tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế.

 

Năm 2013, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước, đạt 325 triệu USD; 2014 đạt 422 triệu USD (xuất khẩu 74 triệu USD, nhập khẩu 348 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc. Các mặt hàng nhập khẩu chính là dầu thô, xăng dầu các loại... Trong những năm gần đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chủ động tìm kiếm cơ hội, tăng cường quan hệ với đối tác Azerbaijan trong lĩnh vực dầu khí, mở Văn phòng đại diện thường trực tại Azerbaijan từ năm 2011, cử sinh viên sang Azerbaijan học tập theo thoả thuận hợp tác khoa học và đào tạo giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Học viện Dầu quốc gia Azerbaijan.

 

Hợp tác trong một số lĩnh vực khác giữa hai nước, những năm khi còn là thành viên của Liên Xô, Azerbaijan đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều sinh viên, cán bộ có trình độ cao, nhất là trong ngành dầu khí. Đây là lĩnh vực truyền thống và tiềm năng Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với Azerbaijan , nhất là đào tạo cán bộ kỹ thuật dầu khí. Hai nước cũng đã có những hiệp định đã ký kết như: Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (ký tháng 4/2010); Hiệp định liên Chính phủ trong lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật (ký tháng 5/2014); Hiệp định liên Chính phủ về tránh đánh thuế hai lần (ký tháng 5/2014); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (ký tháng 4/2010).

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Liên bang Nga dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, thăm Cộng hòa Séc và Cộng hòa Azerbaijan nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước nước này; trao đổi với Lãnh đạo các nước về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nhau cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế bền vững; trao đổi biện pháp thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả; vận động các nước tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở sở tại./.