Về xã Phú Đình (Định Hoá), từ chân đồi Pụ Đồn đã nghe tiếng chuông ở Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De ngân rung, linh thiêng, vọng lại ngàn sâu, làm cái nắng tháng 5 dịu lại.
Đó là những hồi chuông của con dân đất Việt khi về thăm thủ đô gió ngàn, gióng lên trước Nhà Tưởng niệm và thắp nén trầm thơm báo công với Người.
Theo ông Đồng Khắc Thọ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hoá: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng từ ngày 15-11-2004, khánh thành ngày 19-5-2005. Công trình có ý nghĩa to lớn do Đảng bộ, chính quyền nhân dân T.P Hà Nội tặng.
Mới đó đã tròn thập kỷ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nơi người dân trên mọi miền Tổ quốc hội về, với một nghĩ suy được bày tỏ lòng biết ơn trước anh linh của vị cha già dân tộc. 10 năm đã trôi qua, tiếng chuông được gióng lên đều đặn mỗi ngày, âm hưởng thanh tao mà linh thiêng đã như một chứng nhân của thủ đô gió ngàn, ghi nhận tấm lòng thảo thơm của bao con người trên mọi miền đất nước. Anh Bùi Văn Đạt, Phó Phòng Quản lý Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Từ ngày mở cửa đến nay (2005-2015), Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước. Vào những ngày lễ, tết, Nhà tưởng niệm đón tiếp từ 13 đến 15 đoàn khách trong ngày, với khoảng từ 1.000 đến 1.200 khách.
Từ khoảng sân trước Nhà tưởng niệm, nhìn xuống thấy đường từ Phú Đình lên đèo De tựa dải lụa mềm vắt hờ vào triền dốc. Năm xưa, từ mái lán Tỉn Keo, Bác Hồ đã đi trên con đường này sang Tân Trào (Tuyên Quang) và ngược về để lãnh đạo kháng chiến. Để hôm nay, những địa danh nơi thủ đô gió ngàn đã đi vào sử xanh, thân thuộc, như hơi thở cuộc sống. Chị Mã Thị Thu Phương, nhân viên Nhà tưởng niệm tâm sự: Tôi là người con của Định Hóa, được vinh dự làm nhiệm vụ ở Nhà tưởng niệm Người, để hoàn thành công việc được giao, tôi luôn có ý thức nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để phục vụ thật tốt các đoàn khách. Có mặt ở đó, chị Ma Thị Kiều cho biết thêm: 10 năm nay, nhiều đảng bộ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đã về dâng hương, tưởng niệm Người và tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới. Lễ kết nạp Đảng diễn ra trang trọng, thiêng liêng lắm…
Nhìn những hàng cây xanh được các vị nguyên thủ quốc gia trồng xung quanh Nhà tưởng niệm đang đua mầm lớn lên sau mưa đầu hạ, chị Phương bảo: Từng vuông đất nơi thủ đô gió ngàn còn tồn tại mãi với thời gian, nhưng nhân chứng lịch sử dần theo nhau về miền thiên cổ… Trước ban thờ Người, tôi lật mở từng trang của cuốn sổ lưu bút, và đọc được ở đây những dòng chữ nắn nót của bao thế hệ: những cựu chiến binh từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương; các bạn sinh viên và của khách du lịch. Dù mỗi người một quê, một công việc, nhưng từng dòng lưu bút đều như chắt gạn lời trái tim mình với lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già dân tộc. Ngày 31-1-2015, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an viết: “Chúng cháu đời đời ghi nhớ công ơn trời biển của Bác và các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Chúng cháu nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc”. Đặc biệt trong cuốn lưu bút tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy có một số trang ghi dòng cảm tưởng của những công dân nước bạn Lào và Campuchia khi sang thăm, làm việc và học tập tại Việt Nam. Ngày 17-1-2015, Trung tướng Koy Sophat, Phó Tư lệnh Bộ Công binh Quân đội Hoàng Gia Campuchia, viết: “Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn, thành kính trước Bác Hồ vĩ đại”.
Từ đỉnh đèo De, tiếng chuông lại ngân rung báo công với Người. Tiếng chuông, đều đặn như hơi thở của đại ngàn, ấm áp như tình người nơi sơn dã, nhắc nhớ mỗi con dân đất Việt tình yêu thương Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc.