Đã 61 năm trôi qua nhưng những ký ức về một thời tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm trí những người lính Điện Biên.
Kể cho chúng tôi nghe về một thời tham gia chiến dịch, ông Trần Đức Hân trú tại tổ 10, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) bồi hồi nhớ lại: Tôi nhập ngũ năm 17 tuổi, 18 tuổi thì tham gia đánh trận Điện Biên Phủ. Khi đó, tôi ở Đại đội Hỏa lực của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Tháng 1-1954, tôi cùng với anh em trong đơn vị được giao nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa. Sau đó, nhận được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, chúng tôi lại kéo pháo ra. Kéo vào đã vất vả, kéo ra còn nguy hiểm, gian nan gấp bội. Địch phát hiện ra đường hành quân của quân ta, chúng thả bom Na pan bắn phá ác liệt. Đưa pháo xuống dốc, bộ đội luôn phải ghìm chặt đầu pháo và cho pháo lăn xuống từ từ, bởi một bên là núi cao, một bên là vực sâu, chỉ một phút lơi tay ghìm, hoặc chèn không cân là có thể cả khối thép đồ sộ sẽ lôi theo hàng chục người xuống vực. Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng chúng tôi đều quyết tâm để việc kéo pháo ra thành công đúng kế hoạch.
Tháng 3-1954, ông Hân ở Đại đội 260 của Trung đoàn 141, cùng anh em trong đơn vị đánh trận Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên. Sau khi đánh chiếm đồi Him Lam, ông được học cứu thương 5 ngày ở Quân y Trung đoàn 141. Từ đó, ông chuyển nhiệm vụ của một người lính chiến đấu sang làm công tác cứu thương cho bộ đội. Vừa học, vừa làm, dần dần ông cũng quen với công việc. Ông kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm mà ông nhớ mãi: Trong một lần vào trận địa chuẩn bị cho bộ đội của Trung đoàn 141 chiến đấu, ông Hiếu Đại đội Phó Công binh của Trung đoàn đã giẫm phải một quả mìn và bị mất một bàn chân, nhưng ông vẫn cố gắng chạy tiếp và giẫm phải quả mìn thứ hai, lần này thì bị gãy chân còn lại, nên ông được anh em đưa về Quân y Trung đoàn. Tôi làm nhiệm vụ băng bó vết thương cho ông Hiếu, nhưng khi lên bàn mổ phẫu thuật được một chân thì ông Hiếu đã hy sinh vì mất quá nhiều máu…
Đối với ông Nguyễn Văn Bởi, nhà ở tổ 29, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) lại có những kỷ niệm sâu sắc khi ông từng là lính bộ binh ở Đại đội 606, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Ông kể, ông đã tham gia trận mở màn đánh đồi Him Lam vào ngày 13-3-1954, đánh đồi D1 và đồn 505. Trận nào cũng ác liệt nhưng có trận đánh đồi D1 là ông không thể quên. Đó là vào ngày 30-3-1954, Đại đội của ông là đơn vị chủ lực được giao đánh vào trung tâm lòng chảo cánh đồng Mường Thanh. Dự định mở hàng rào dây thép gai của quân ta phải mất 4 phút mới xong, thế nhưng chỉ trong vòng 2 phút, đơn vị đã mở xong 7 lớp hàng rào và xung phong, lúc bấy giờ trời vẫn còn sáng, địch vô cùng hoang mang và chạy ra, quân ta nhanh chóng tiến vào tiêu diệt đội hình quân Pháp. 30 phút sau, ta chiếm được đồi D1 nhanh chóng.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy còn có ông Hà Văn Đa, Trung đội trưởng Đại đội 811, Tiểu đoàn 888, phối thuộc cho Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đánh chiếm đồi C1. Ông kể, khoảng 17 giờ chiều, lực lượng xung kích đã sẵn sàng dưới giao thông hào thì có ông Phạm Sinh, Chính ủy Trung đoàn 98 xuống động viên: “Anh em nai nịt súng ống, giày dép cho gọn gàng để chiến đấu” và thông tin hai ý “Đêm hôm nay, khoảng 8 giờ 30 phút, trên đồi A1 sẽ cho một tấn bộc phá nổ để phá hầm ngầm. Tiếng bộc phá nổ là tín hiệu xung phong toàn mặt trận” và “Đêm nay, pháo binh ta sẽ bắn vào Mường Thanh, có một loại đạn khi nổ làm mặt đất nóng”. Khi cả đơn vị lên đến nửa đồi C1 thì ông Đa được lệnh của Chính trị viên Phó Tiểu đoàn giao nhiệm vụ xuống chân đồi tiếp nhận thương binh, tử sĩ. Ông Đa bảo: Vừa làm chúng tôi vừa khóc vì thương tiếc đồng đội, nước mắt rơi trên phần máu thịt của đồng đội...
Trong trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tuy mỗi người lính một nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả đều một lòng quyết tâm cho ngày đại thắng. Hơn 60 năm qua đi, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn sống mãi trong trái tim những người lính Điện Biên. Khi tôi hỏi về nguyện vọng của các bác bây giờ là gì? Mọi người đều có chung câu trả lời là mong được trở lại chiến trường xưa, mặc dù tuổi đời đều đã ngoài 80, 90 tuổi.