Năm 1962, khi phong trào xây dựng hợp tác xã (HTX) phát triển rộng khắp trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở lại thăm vùng quê cách mạng An toàn khu Định Hóa và trực tiếp tặng nhân dân xã Tân Dương chiếc máy cày của nước Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc.
Chiếc máy cày (máy tắc-tơ) bấy giờ là biểu tượng của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại theo mô hình hợp tác xã ở các nước XHCN. Món quà quý báu chính là mong muốn của Bác để nhân dân các dân tộc vùng quê hương cách mạng nhanh chóng đổi mới kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới công tác quản lý để tiến tới thực hiện sâu rộng cuộc cách mạng về tư tưởng, về tổ chức sản xuất và kỹ thuật, làm cho các HTX đều có khả năng quản lý tốt nền kinh tế tập thể CNXH. 53 năm đã trôi qua, những điều căn dặn và mong muốn của Người vẫn còn nguyên giá trị trong sự vận động không ngừng đổi mới trên đồng đất Tân Dương.
Tân Dương được biết đến là một trong những vựa lúa của huyện Định Hóa với cánh đồng Tân Tiến bằng phẳng trải rộng trên 100ha. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi, đồng đất màu mỡ, nên nơi đây luôn đi đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp của huyện. Đặc biệt những năm thực hiện mô hình sản xuất quản lý tập trung, phong trào HTX của xã luôn là đơn vị điển hình tiên tiến của tỉnh. Ông Hoàng Văn Táy, 55 tuổi Đảng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, nguyên là cán bộ HTX nhớ lại: “Ngày ấy HTX có chiếc máy cày, đồng đất vào vụ chỉ làm trong vài ngày là xong, trâu bò chủ yếu nuôi làm thực phẩm cho quốc doanh, nên đại đa số đời sống xã viên đều ổn định. Đặc biệt, những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, HTX luôn là đơn vị dẫn đầu của huyện phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Những năm 1980, cây lúa trên đồng đất Tân Dương đã đạt năng suất từ 30, lên 35 tạ/ha và những năm đầu giai đoạn 1990-1995 năng suất bình quân đạt đến gấn 40 tạ/ha, ngang bằng với những cánh đồng cao sản của tỉnh lúc bấy giờ. Bình quân lương thực mỗi nhân khẩu cũng đạt từ 350 lên trên 400kg/người/năm”. Anh Phan Văn Hoàn, đảng viên chi bộ xóm 2 cho biết: Trước đây, mỗi khi vào vụ, gia đình phải đôn đáo lên làng trên, xóm dưới tìm người về làm đổi công. Gia đình có gần 1 mẫu ruộng với 5 nhân khẩu, nhưng khi làm đất, mất gần tuần mới có đất cấy lúa. Đến vụ thu hoạch cũng lại lận đận tìm người giúp đổi công mất gần chục ngày mới xong. Vì vậy, ở nông thôn trước đây lúc nào cũng chỉ quẩn canh với đồng ruộng mà không có thời gian đâu để học tập, tham quan. Cũng chính vì lao động thủ công cần nhiều người, nên thế hệ các cụ đi trước nảy sinh tư tưởng sinh đông con để còn giúp làm việc đồng áng.
Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Dương Ma Xuân Tạo cho biết: “Thế hệ chúng tôi không được tận mắt thấy, tai nghe những lời căn dặn của Bác, nhưng mỗi khi nghe tiếng máy rền vang, chúng tôi lại thổn thức nhớ những điều Bác Hồ căn dặn khi về đây tặng xã chiếc máy cày. Đó là phải nhanh chóng giải phóng sức lao động thủ công để dành thời giờ học chữ, tăng gia và tăng năng suất cây trồng… Đến nay, toàn xã đã có trên 100 chiếc máy cày. Vào vụ, cả xã chỉ mất 2-3 ngày là xong khâu làm đất, vì vậy trên 90% diện tích của hơn 240ha đất đã được máy móc tham gia trực tiếp trong các khâu trồng, thu hoạch lúa, cây mầu… Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, cây trồng đã được chăm sóc tốt hơn và sức người thu công làm ruộng cũng được giải phóng để tăng gia thêm nhiều loại hình trong chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ”. Được biết Tân Dương hiện đã đạt sản lương lương thực trên 3.200 tấn/năm, nâng mức bình quân lương thực mỗi nhân khẩu trên năm từ 500kg (năm 2010) lên trên 800kg. Đất chỉ cấy một vụ lúa trên 150ha, nay nhờ có máy móc đưa vào hỗ trợ nên đã tăng lên thêm trên 100ha. Đặc biệt, nơi đây đã thâm canh ổn định 3 vụ cây trồng trong năm cách đây gần 5 năm. Cùng với việc luân canh, tăng vụ, xã đã đưa vào gieo cấy trên 70% diện tích bằng các giống lúa lai, cho năng suất cao từ 53-55tạ/ha. Toàn xã hiện đã có trên gần 400 con trâu, bò, gần 600 con dê nuôi làm thương phẩm… Tỷ lệ hộ nghèo theo đó cũng giảm dần từ 25% xuống còn 14%. Hoạt động dịch vụ được mở rộng, phục vụ nhu cầu mua sắm tại chỗ, từ chỗ chỉ có gần chục hộ làm kinh doanh (năm 2010), đến nay đã tăng lên 45 hộ. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ cũng đã góp phần tích cực nâng cao đời sông nhân dân và tưng thu ngân sách Nhà nước. Nếu như năm 2010, hoạt động thu ngân sách toàn xã mới chỉ đạt mức vài chục triệu đồng/năm, đến nay đã tăng lên gần 350 triệu đồng, tăng 90% so với năm 2010. Các lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp giá trị cũng tăng lên từ 1,6 tỷ đồng (năm 2010) lên 16 tỷ đồng năm 2014.
Nói về công năng chiếc máy cày trên đồng đất Tân Dương, ông Hoàng Văn Nghiệp, xóm 6 hào hứng kể với chúng tôi: Nhà tôi có 7 nhân khẩu, chỉ có 1,2 mẫu ruộng, những năm từ 2000 về trước, làm cật lực cũng chỉ đủ an trong vòng 8 tháng, còn lại mọi người phải lên rừng kiếm lâm sản bán lo an qua ngày, đợi vụ mới. Sau khi mạnh dạn đầu tư gần trăm triệu đồng mua chiếc máy cày về, cứ thu hoạch đến đau là làm đất trồng vụ mới đến đó, đất không có thời gian nghỉ, nên một năm gia đình làm ba vụ (hai vụ lúa, một vụ ngô xen canh rau mầu). Đến nay, mỗi năm thu được trên 15 triệu đồng trên diện tích hơn hai mẫu ruộng, tăng gấp hai lần so với trước. Đặc biệt, vụ Đông, bên cạnh cây ngô được xác định là cây chủ lực, thì chúng tôi đưa thêm vào giống ngô nếp nhằm tăng giá trị thương phẩm lên gấp hai lần so với trồng cây ngô phục vụ chăn nuôi, bên cạnh đó gia đình xen canh các cây bí, dưa chuột trên cùng một diện tích. Vì vậy, mỗi vụ thu hoạch được trên 1 tấn ngô, gần 2 tấn dưa chuột và bí. Sản phẩm làm ra đến đâu, tư thương đến tận chân ruộng đặt mua hết đến đó, nên luôn ổn định đầu ra. Chủ động trong khâu làm đất, hàng ngày chiếc máy cày lên bờ, gia đình lại gắn thùng kéo vào để làm thêm dịch vụ cung ứng cám, thức ăn gia súc, gia cầm, kinh doanh vật liệu xây dựng, vận chuyển cho nhân dân trong vùng, nên kinh tế gia đình ổn định. Không chỉ gia đình ông Nghiệp, toàn xã Tân dương hiện đã xuất hiện gần 50 hộ gia đình kết hợp dùng máy cày vào các công việc chế biến, vận chuyển, tích hợp làm nông cụ khác giúp giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao hiệu quả lao động.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã hiện đã có gần 100ha đất trồng ba loại cây xen canh trên một diện tích vào vụ Đông, góp phần nâng giá trị thu nhập trên 1ha đất từ 60 triệu đồng/năm (năm 2010) lên trên 75 triệu đồng. Đặc biệt với các sản phẩm bí, ngô nếp, dưa chuột hiện đã được một số gia đình kinh doanh trên trang mạng điện tử Internet, nên sản phẩm đã vượt ra khỏi địa phương đến với một số tỉnh lân cận. Đây chính là những tín hiệu mới chuẩn bị cho một quy trình sản xuất hàng hóa công nghiệp khép kín theo các tiêu chuẩn hàng hóa. Chính vì vậy, các vấn đề về thương hiệu, quy chuẩn thương phẩm… bắt đầu được Đảng bộ xã bàn thảo và chuẩn bị triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ mới 2015-2020.
Để nâng cao hiệu quả việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong 5 năm qua (2010-2015) xã đã vận động nhân dân hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, đóng góp công lao động, tiền, vật tư xây dựng trị giá hàng tỷ đồng cứng hóa gần 10km đường bề tông liên xóm, liên xã, đủ hai làn máy kéo, máy cày lưu thông, vận chuyển nông, lâm sản thuận tiện. Về Tân Dương trên các ngả đường, đâu cũng bắt gặp những chiếc máy cày miệt mài rền tiếng nổ, xe chở nông sản qua lại nhộn nhịp. Đó chính là những tín hiệu vui của vùng quê hương cách mạng đang tích cực xây dựng nông thôn mới chuẩn bị cho thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH.