No ấm tìm về

10:00, 30/05/2015

Vì công việc, tôi đã đến gần khắp các bản làng người Mông trên địa bàn tỉnh, cùng đồng bào ăn mèn mén, tập gùi nước và chơi yến, đánh cù… Tôi nhận ra rằng: Từ xửa xưa, đồng bào người Mông luôn ở nơi xa nhất, cao nhất và khó khăn, gian khổ nhất, nhưng luôn một lòng theo Đảng.

Ngày trước, những con đường lên lũng núi có bản người Mông sinh sống phải dùng đến 2 từ khó và khổ. Khó vì đường núi đầy dốc đá, có những đoạn dốc gấp, bà con phải bám vào cây bên đường để đi. Khổ vì đất sản xuất ít, vốn đầu tư thiếu, lương thực chưa đủ dùng, bà con phải vào rừng đào củ, hạ cây xẻ bán lấy tiền mua lương thực. Khó, khổ như thế nhưng đồng bào vẫn không bỏ đi, mà động viên nhau trụ lại cùng xây dựng bản làng. Những Khuổi Mèo (xã Sảng Mộc), Lũng Cà (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai); Bản Tèn, Khe Cạn (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ); Khau Lầu, Pác Máng (xã Định Biên, huyện Định Hoá)… đã tồn tại trong xa ngái từ rất nhiều năm rồi.

Bây giờ, chuyện ở hang, ăn củ rừng như lời ông Hoàng Sào (xóm Lân Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai) kể cho tôi nghe đã thành… cổ tích. Bởi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã theo cán bộ ngược dốc về với bà con dân bản. Ông Sùng Văn Khín (bản Lũng Luông, xã Thượng Nung) bảo: Đảng, Nhà nước mang lại cho bà con nhiều thứ lắm, thứ nào cũng quý, nhưng quý nhất là cái đường được mở về bản.

Qua những vùng đất có đồng bào người Mông sinh sống, ngước trông lên mờ xanh của ngọn núi đá cao chất ngất, tôi thấy từng con đường bê tông như vắt vào vai núi. Tôi thầm nghĩ: Đảng, Nhà nước luôn có chính sách quan tâm tới đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt từ năm 2012, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XII (ngày 19-7-2012) đã đưa ra phương châm “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” và phong cách dân vận “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” trong công tác dân tộc… Nhưng tôi biết: Từ chủ trương đến hiện thực thường có một khoảng cách khá dài, “người ta bảo” đó là lộ trình. Cũng giống như bà con người Mông trên đường đi bộ về bản thường bảo nhau: “Khắc đi, khắc đến”.

Hôm trước Tết Nguyên đán năm 2015, tôi theo các đồng chí trong Ban Dân tộc tỉnh lên bản người Mông Lũng Luông để động viên bà con dân bản và người lao động thuộc các đơn vị đang trực tiếp thi công tuyến đường. Được tận mắt chứng kiến mới thấy việc thi công đổ bê tông đường ở địa thế dốc khúc khuỷu không chỉ cực nhọc, mà còn cực kỳ khó khăn về nguồn nước và khi thực hiện đổ bê tông nền đường.

Anh Nguyễn Văn Khương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Xuất phát từ thực tế đang tồn tại, đồng thời trên cơ sở phương châm HĐND tỉnh đề ra từ năm 2012, ngày 14-9-2014, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020”. Nội dung cụ thể của Đề án là: Hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nâng cao mức sống tinh thần cho người dân. Ngay khi UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án, các cơ quan, đơn vị, và mọi người, mọi giới trong xã hội đã tích cực vào cuộc, ủng hộ, đặc biệt quan tâm là nội dung xây dựng đường bê tông lên bản cho đồng bào.

Cũng theo Đề án, 15 tuyến đường bê tông về các bản người Mông với tổng chiều dài 42,72km, dày 18cm, rộng 3m đã được đầu tư xây dựng (tổng dự toán xây dựng hoàn thiện 15 tuyến đường là 69,4 tỷ đồng), trong đó huyện Võ Nhai có 8 tuyến, dài 25,269km; huyện Đồng Hỷ có 4 tuyến, dài 11,916km; huyện Phú Lương 2 tuyến, dài 3,5km và huyện Định Hóa có 1 tuyến, dài 2,035 km. Một ngày trung tuần tháng Năm này, trở lại với “công trường” lên bản, những người thợ tham gia thi công công trình đã chuyển đến nơi làm việc mới, còn lại với bản làng, với đồng bào là con đường bê tông thênh thang rộng cho những thầy cô giáo mang chữ lên non, cho bà con người Mông xuống núi mua giống cây trồng, con vật nuôi về bản.

Bên lưng dốc đường tuyến Lân Quan - Mỏ Ba (Tân Long, Đồng Hỷ), ông Hoàng Văn Tình đã nói vui: Có đường bê tông về bản, cái lưng mình được giải phóng, cái chân mình được thảnh thơi, mình có nhiều sức khỏe để làm nương và chăn con lợn, con gà thành hàng hóa xóa đói giảm nghèo.

Hiện 14/15 tuyến đường bê tông về bản đã được thi công hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Riêng tuyến đường xóm Văn Lăng (Văn Lăng, Đồng Hỷ) do phải mở một phần tuyến mới, nên đang tiếp tục được thi công. Song chúng tôi chắc chắn “cái” lộ trình làm đường bê tông về bản vùng đặc biệt khó khăn ở Thái Nguyên là một lộ trình ngắn nhất, hiệu quả nhất, đáp ứng được mong mỏi của đồng bào nhanh nhất. Bởi trong khoảng thời gian 7 tháng triển khai Đề án (từ tháng 11-2014 đến tháng 5-2015), 14/15 tuyến đường bê tông được triển khai, thi công hoàn thiện. Ngoài ngân sách đầu tư của Nhà nước, Đề án còn huy động được các đơn vị, cá nhân và mọi người, mọi giới trong xã hội tham gia ủng hộ được hơn 2 tỷ đồng, góp phần làm nên những cung đường hạnh phúc tặng cho đồng bào các dân tộc nơi xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên.

Tôi phấn chấn đặt từng bước chân lên mặt đường bê tông, lòng cảm nhận nắng tháng Năm dịu lại. Cũng lúc này, bà con dân bản nhắc nhớ với nhau về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào. Và nữa, đó là những tấm lòng thảo thơm của mọi người, mọi giới đang sinh sống ở tỉnh Thái Nguyên đã quyên góp cùng Nhà nước làm đường bê tông, đó là những cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đang làm việc tại công sở Nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp dân doanh và cả lòng từ bi hỷ xả của của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Cùng với đó là sự tham gia đóng góp của chính đồng bào. Ông Triệu Minh Thái, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Đề án cho biết: Liên quan tới 15 tuyến đường có 188 hộ bị ảnh hưởng về đất đai, nhưng 100% số hộ có liên quan đều tự nguyện hiến đất, với tổng số đất được hiến cho làm đường là 40.806m2… Trong thời gian thi công công trình, đồng bào còn tích cực giúp đơn vị thi công khắc phục khó khăn về nguồn nước, tạo thuận lợi về nơi ăn, ở, sinh hoạt và tham gia đóng góp được 4.389 ngày công, tương đương 877,8 triệu đồng.

Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi “lưng giời” của tỉnh Thái Nguyên đã bắt đầu trở lên ấm áp hơn. Ngay trên đường về bản, chúng tôi gặp được những tíu tít, ríu ran nói cười của đồng bào sau phiên chợ đang trở về nhà. Vâng! Nhịp sống mới của đồng bào được định hình ngay từ con đường về bản, và từ những ngả rẽ về ngõ nhỏ, có mái ấm gia đình vừa lúc thoảng thơm khói lam chiều…