Chiều ngày 7-5, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XII đã bế mạc. Trước khi HĐND quyết nghị những vấn đề quan trọng, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu làm rõ thêm những nội dung liên quan. Báo Thái Nguyên Điện tử lược ghi phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có nhiều sự kiện chính trị lớn diễn ra, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2011-2015; đồng thời là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Dự báo nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước phục hồi tăng trưởng chậm, còn nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được năm 2014, ngay sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015, UBND tỉnh đã kịp thời tổ chức giao kế hoạch và triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, tích cực, quyết liệt để phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2015, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
Tại kỳ họp này, tôi xin báo cáo làm rõ thêm những nội dung liên quan đến một số nghị quyết được HĐND tỉnh tiến hành biểu quyết thông qua:
+ Về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035: Đây là quy hoạch quan trọng, đưa ra các định hướng phát triển tổng thể không gian xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển về không gian kiến trúc và quản lý quy hoạch xây dựng trong thời kỳ mới; làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý xây dựng, lập và điều chỉnh các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch ngành. Đồng thời phù hợp với Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài để tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của vùng trung du miền núi phía Bắc và của vùng Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.
+ Về Quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Hiện nay, Thái Nguyên đang phát triển với nhịp độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Trình độ phát triển xã hội ngày càng được cải thiện với những tiến bộ rõ rệt trên các chỉ tiêu phát triển chủ yếu; đời sống của đại đa số nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư mạnh mẽ. Việc triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm xác định các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng và giải pháp chủ yếu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đề xuất phương án đầu tư theo từng giai đoạn với một số công trình hiện đại, có ý nghĩa then chốt, làm căn cứ cho việc ra quyết định và triển khai đầu tư; đồng thời bảo đảm tính đồng bộ về quy mô, tiến độ, bước đi, khả năng đáp ứng nguồn lực và tính khả thi của các giải pháp thực hiện Quy hoạch.
+ Về Đề án đặt tên các tuyến đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn T.X Sông Công và Đề án đặt tên các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Ba Hàng mở rộng, huyện Phổ Yên: Đề án thành lập T.X Phổ Yên và Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành lập T.P Sông Công đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 4-5-2015, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra sơ bộ hai Đề án này, về cơ bản đều nhất trí và đồng thuận với Đề án do Chính phủ trình, tới đây Ủy ban Pháp luật sẽ tiến hành họp toàn thể để thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới. Như vậy, huyện Phổ Yên sẽ chính thức trở thành thị xã và T.X Sông Công sẽ trở thành thành phố trong thời gian gần nhất. Vì thế, việc đặt tên các tuyến đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Sông Công và Phổ Yên sẽ đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý đô thị cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành chính của các địa phương, đáp ứng mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
+ Về Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh Thái Nguyên:
Đây là lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, phù hợp với quy định pháp luật; mục đích huy động vốn với các mục tiêu:
+ Đầu tư một số công trình nhằm hoàn chỉnh hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp (KCN) đã và đang thu hút vốn đầu tư tốt: KCN Yên Bình (Phổ Yên), KCN Điềm Thụy (Phú Bình); tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN), tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
+ Đầu tư một số công trình trên địa bàn T.P Thái Nguyên để cùng với các nguồn vốn của nước ngoài, của Trung ương, địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị loại I, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế của tỉnh và của vùng.
+ Đầu tư một số công trình kè, đê chống lũ, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an toàn và kết nối giao thông phía Đông KCN Yên Bình - Điềm Thụy; công trình đường giao thông, kè đê sông Cầu (đoạn chảy qua địa bàn T.P Thái Nguyên) nhằm phát triển T.P Thái Nguyên dọc theo hai bên bờ sông Cầu, khai thác cảnh quan đô thị kết hợp bảo vệ môi trường và tạo quỹ đất đô thị, tăng nguồn thu cho NSNN từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất khi hoàn thành công trình.
- Dự kiến phát hành khoảng 1.000 tỷ đồng, nếu được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện Đề án báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ theo quy định (vì mức này vượt mức quy định của Luật NSNN, phải xin cơ chế riêng).
Về cân đối nguồn hoàn trả: Hạn trả gốc vào năm 2020, theo dự kiến nguồn thu NSNN trên địa bàn tỉnh sẽ đạt 16.000-18.000 tỷ đồng/năm, như vậy chúng ta có căn cứ trả đầy đủ, kịp thời khi đến hạn.
Về ý kiến của các đại biểu nêu, các ban HĐND tỉnh thẩm tra có ý kiến, UBND tỉnh xin tiếp thu và hoàn chỉnh để tổ chức thực hiện.
Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2015, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng với việc chuẩn bị, lãnh đạo tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH năm 2015 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và HĐND các cấp thông qua. Trong đó, tập trung triển khai ngay các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này:
- Triển khai thực hiện Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 (nằm trong 10 khu nông nghiệp công nghệ cao của cả nước).
- Hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với diện tích 500ha, làm cơ sở trình HĐND tỉnh xem xét quyết nghị tại kỳ họp gần nhất.
- Đôn đốc triển khai thực hiện Dự án Khu quần thể thể thao sân golf (dự kiến sẽ khởi công trong quý III hoặc quý IV/2015).
- Đôn đốc triển khai xây dựng Khu đô thị thông minh sử dụng nguồn vốn của Tổ chức KOICA (3,5 triệu USD) tại KCN Yên Bình.
- Hoàn chỉnh hồ sơ giải trình bổ sung về hai đề án nâng cấp huyện Phổ Yên thành T.X Phổ Yên, T.X Sông Công thành T.P Sông Công để báo cáo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm định.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng trong và ngoài hàng rào các KCN; đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới và các dự án đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.
- Quan tâm thu hút đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp: Dự án của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình, các dự án do doanh nghiệp đầu tư và nhân dân xây dựng trên cơ sở tôn trọng quy hoạch đã được duyệt; nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho lĩnh vực này trình HĐND tỉnh.
- Ban Chỉ đạo hỗ trợ cung cấp sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cho doanh nghiệp cung cấp suất ăn cho Công ty điện tử Samsung và các nhà máy trên địa bàn tổ chức kết nối với doanh nghiệp cung cấp để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương quan tâm rà soát các hộ trên địa bàn, trong đó chú trọng những gia đình chính sách, gia đình bị mất đất, các hộ nghèo, hộ cận nghèo; thống kê số lao động phù hợp với tiêu chuẩn của Samsung để giúp họ vào làm việc tại Nhà máy, góp phần giảm nghèo nhanh.
- Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống tiến hành tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và đề xuất triển khai thực hiện Đề án trong thời gian tiếp theo (Đề án được nhân dân và Trung ương đánh giá rất cao).
- Quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phấn đấu đến hết năm 2015 có từ 25-27 xã đạt chuẩn và có 2 địa phương (T.P Thái Nguyên và T.X Sông Công) hoàn thành Chương trình.
- Tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra, trong đó tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng văn minh, thiết thực, triệt để tiết kiệm (cán bộ, đảng viên, công chức viên chức phải gương mẫu thực hiện trước).
- Tiếp tục kiểm soát tốt trật tự an toàn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông, tạo môi trường ổn định, bình yên cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân…