Đó là một trong những nội dung chính được các chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) góp ý kiến đối với dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII sắp tới.
Theo Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ, quá trình nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, các chuyên gia, nhà khoa học đã góp ý xuất phát từ thực tiễn, tiếp cận các thế mạnh để gắn kết vùng, gắn kết trong nước cũng như gắn kết quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Đối với năm chương trình trọng tâm và ba đột phá của tỉnh Thanh Hóa, theo các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương cần quy hoạch kinh tế xã hội theo hướng tăng liên kết ngang giữa miền núi và miền biển, tăng vai trò, sức lan tỏa của vùng kinh tế động lực (các khu công nghiệp).
Thông qua những phân tích cụ thể tình hình địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị định hướng phát triển cụ thể.
Trong đó, phía tây trục động lực đường Hồ Chí Minh, chủ yếu là vùng núi trung bình đến cao, địa hình phân cắt mạnh, độ dày tầng đất mỏng nên phù hợp với phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, vì vậy cần nâng cao tỷ trọng phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến lâm sản, nông sản, chăn nuôi trang trại và phát triển công nghiệp thủy điện.
Phần phía đông của trục động lực Hồ Chí Minh đến trục động lực đường Quốc lộ 1, chủ yếu là địa hình núi thấp, đồi thoải, tầng đất đủ dày, nước mặt thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung và công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao.
Phần phía đông của trục động lực Quốc lộ 1 phù hợp cho phát triển kinh tế biển và công nghiệp mũi nhọn, cảng biển, đóng tàu, đánh bắt hải sản, du lịch nghỉ dưỡng.
Như vậy, lợi thế tự nhiên của ba vùng đòi hỏi có mức ưu tiên khác nhau trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tỷ trọng cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.
Đáng chú ý, đối với lĩnh vực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thanh Hóa, cần: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, gắn với các ngành nghề lĩnh vực ưu tiên phát triển; tăng cường chất lượng đào tạo giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý khu vực công; tăng cường năng lực cho Trường Đại học Hồng Đức để trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, gắn với các đối tác lớn như ĐHQGHN…