Thông tin - "đầu vào" của tư duy

14:49, 28/05/2015

Muốn lãnh đạo thì phải có thông tin. Có nhiều nguồn thông tin, nhưng quan trọng nhất vẫn là thông tin từ cuộc sống (đương nhiên thông tin phải chính xác và kịp thời).

Tôi đã không ít lần nghe các bạn đồng nghiệp trẻ tâm sự rằng: Hàng tháng họ ngại nhất là phải viết báo cáo về hoạt động của Đảng ủy! Nghe nhiều cán bộ chủ chốt phàn nàn: Báo cáo từ dưới đọc thì trôi chảy nhưng thông tin thì quá ít! Lại nghe một vị cán bộ nọ nói với người giúp việc của mình: Có gì mà khó, cứ làm sao nói vậy, đừng có dài dòng, phải cô đọng, súc tích là được (!). Còn nữa, đó đây nạn sao chép trên mạng những đoạn viết hay để "lắp ráp" vào báo cáo cho... trôi chảy!... Tôi cũng đôi lần tò mò đọc hai loại báo cáo, một của UBND và một của Đảng ủy ở cùng một địa phương nọ gửi lên cấp trên và nhận thấy, nó chỉ khác nhau ở nơi gửi, nơi nhận và cách xưng hô!

 

Không biết ở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng, có tài liệu nào hoặc có giảng viên nào, giúp học viên phân biêt sự giống nhau và khác nhau giữa một báo cáo của UBND với một báo cáo của cấp ủy? Vẫn biết, khó có thể rạch ròi một cách máy móc nội dung trong một báo cáo của UBND với báo cáo của cấp ủy Đảng; bởi mọi hoạt động của hai cơ quan này có sự giao thoa, gắn kết chặt chẽ với nhau. Vấn đề ở chỗ, trong sự giao thoa, gắn kết, đan xen ấy, nghiệp vụ chuyên môn đòi hỏi, phải tìm cách tách những “sóng có tần số và biên độ” khác nhau, để cho cái nào ra cái ấy. Đây chính là nghiệp vụ của công tác tham mưu. Với sự trải nghiệm thực tế, qua trao đổi tranh luận với các đối tượng có công việc liên quan, tôi xin phác thảo vài nét để phân biệt hai loại báo cáo nói trên.

 

Câu hỏi đặt ra là: Với chức năng là cơ quan lãnh đạo một địa phương thì cấp ủy cấp trên cần những thông tin gì từ cấp dưới? Câu trả lời gồm có hai vế: Mảng công việc của chính quyền và mảng công việc của cấp ủy.

 

Với mảng của chính quyền thì phải làm rõ những vấn đề: Trong tháng trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, địa phương đã làm những công việc cụ thể gì? Kết quả ra sao? Mặt nào tốt và chưa tốt? Qua công việc rút ra những vấn đề gì cần chú ý? Có kiến nghị gì hoặc đề xuất gì với trên? Dự kiến tháng tới làm gì? Vật chất bảo đảm ra sao? Chỉ tiêu phấn đấu thế nào?...

 

Với mảng của cơ quan lãnh đạo (đảng ủy) thì phải làm rõ: Nội dung chỉ đạo của đảng ủy trong tháng tập trung vào vấn đề gì, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị? Kết quả các hoạt động giám sát, kiểm tra? Hoạt động phối hợp giữa MTTQ, các đoàn thể quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ra sao? Tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng có gì nổi bật? Với công tác xây dựng Đảng: Công tác cán bộ, tổ chức có gì biến động? Nội dung sinh hoạt các chi bộ trong tháng, công tác phát triển Đảng ra sao? Có gì cần kiến nghị với trên?...

 

Sự lãnh đạo của Đảng là một khái niệm trừu tượng. Tuy nói nội dung lãnh đạo của Đảng trên ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức nhưng là ba mặt trong một tổng thể gắn kết với nhau không thể tách bạch. Trong đó, nội dung của mặt này nằm trong nội dung của mặt kia và ngược lại. Bởi vậy báo cáo của cấp ủy thường có tính khái quát rất cao. Qua sự phác thảo trên đây cho thấy: Tuy hai loại báo cáo này có những cái chung vì cùng một công việc (là nhiệm vụ chính trị) nhưng lại có những điểm khác nhau. Một bên là tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể, một bên bảo đảm những điều cần và đủ để thực hiện nhiệm vụ đó. Một bên thì nêu kết quả bằng những con số, còn một bên thì nêu "phần hồn" của các con số. Một bên là chất lượng công việc, còn một bên là sự vận hành của cả bộ máy trong hệ thống chính trị.

 

Điều kiện cần và đủ để viết một báo cáo tốt phải gồm bốn bước: Đọc chỉ thị của cấp trên và xem báo cáo từ cấp dưới. Đi thực tế để mắt thấy, tai nghe. Phân tích, chọn lọc thông tin. Chắp bút. Những người có "tay nghề" thường khuyên: Quá trình viết báo cáo có một điều cấm kỵ: Đó là trước khi đặt bút viết thì không nên xem lại báo cáo cũ. Nếu không thì cái mới viết, dễ trở thành bóng của cái cũ.

 

Người ta nói: Thông tin chính là "đầu vào" của tư duy. Với những thông tin đều đặn, chính xác và kịp thời từ cấp dưới, sẽ giúp cho cấp trên có cơ sở để khẳng định cái cũ và hoạch định cái mới. Hiện nay ở nhiều nơi do bệnh thành tích, do quan liêu hoặc do thiếu trách nhiệm, đã báo cáo lên trên những thông tin thiếu trung thực từ thực tế. Đó là việc làm tai hại; đôi khi gây hiệu quả khôn lường.