Chiều 14/5, trước khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua các Nghị quyết phê chuẩn quyết định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TANDTC; thành lập TAND cấp cao, số lượng TAND cấp cao và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi TAND cấp cao; danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; dự kiến nhân sự trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.
Nghiên cứu lập thêm Tòa cấp cao khi đủ điều kiện
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các cơ quan liên quan phải quyết tâm và khẩn trương thực hiện các công việc để đảm bảo từ 1/6/2015 bộ máy đi vào hoạt động, không ảnh hưởng đến công tác xét xử.
“Phải hứa với Thường vụ Quốc hội chắc chắn từ 1/6 phải làm việc bình thường. Nếu không hoạt động được thì Chánh án chịu trách nhiệm trước nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về việc thành lập TAND cấp cao, ngoài phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng trình xin ý kiến về việc lập thêm TAND cấp cao tại Cần Thơ.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với quan điểm của đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng trước mắt quyết định thành lập 3 TAND cấp cao trên cơ sở 3 Tòa phúc thẩm TANDTC hiện nay, bảo đảm ổn định ngay về tổ chức, tiếp quản cơ sở vật chất hiện có, thực hiện đúng Kết luận số 79 và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị bảo đảm không tăng tổng biên chế, các đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, phương án này không gây ra sự xáo trộn lớn, không phải đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm các TAND cấp cao triển khai hoạt động được kể từ ngày 1/6/2015 (ngày Luật tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực).
Số lượng án đang trở nên quá tải
Không đồng tình với đề xuất tăng số lượng Thẩm phán của TAND cấp cao, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên 120 Thẩm phán theo Nghị quyết 437a của UBTVQH ngày 28/3/2012 cho đến khi UBTVQH có quyết định mới về biên chế, số lượng Thẩm phán của TAND, Tòa án quân sự các cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì các TAND cấp cao tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa chuyên trách và Tòa phúc thẩm của TANDTC hiện nay. Do đó các Thẩm phán TANDTC hiện nay không được bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC sẽ được xem xét, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND cấp cao. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị trước mắt xem xét, quyết định điều chuyển số biên chế Thẩm phán trên cho các TAND cấp cao.
Về biên chế cán bộ, công chức khác, nhân viên và người lao động trong các TAND cấp cao, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên như hiện nay. Trên cơ sở đó Chánh án TANDTC điều chuyển, bố trí biên chế cho các TAND cấp cao.
Giải trình thêm về vấn đề này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết đề nghị tăng số lượng Thẩm phán là trên cơ sở khối lượng công việc, đáp ứng yêu cầu 1 Thẩm phán thụ lý bao nhiêu vụ để tập trung chuyên sâu vào việc xét xử và dành thời gian nghiên cứu, học tập…
“Số lượng án hàng năm tăng rất cao (năm nay có thể lên 500.000 vụ), do đó với số lượng Thẩm phán như hiện thì sẽ quá tải, khó đảm bảo chất lượng cao của bản án. Hơn nữa, việc xác định số lượng cũng không phải ngày một ngày hai là xong mà có khi mất vài năm vì người được bổ nhiệm phải đủ tiêu chuẩn”, Chánh án Trương Hòa Bình giải trình thêm./.