Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết sẽ làm tốt việc chống hàng giả, hàng nhái

08:55, 12/06/2015

Nhiều vấn đề nóng liên quan đến trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện, giá xăng dầu gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan… được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, chiều 11/6.

Lo ngại xuất khẩu nông sản suy giảm

 

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nêu tình trạng suy giảm hoạt động xuất khẩu đáng lo ngại, nhất là các mặt hàng nông nghiệp, thậm chí có mặt hàng ứ đọng, đổ bỏ như: thanh long, dưa hấu làm cho đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, bức xúc.  Giá vật tư sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giá điện, xăng dầu tăng cao, làm thu nhập người dân suy giảm, đầu ra sản phẩm khó, bị thương lái giá ép giá..

 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận 5 tháng đầu năm 2015 tình hình xuất khẩu một số hàng hóa trong đó nông sản có dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu nói chung chỉ tăng 7,8%, chưa đạt mục tiêu đề ra 10%, là do nông sản gạo, thủy sản có giá thấp hơn, và xuất khẩu dầu thô chỉ bằng 50% so với năm trước. Trong khi đó, một số thị trường xuất khẩu chính như Nhật, EU đang có tình trạng tỉ giá USD thấp…

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, suy giảm trong 5 tháng vừa qua mang tính nhất thời. “Chúng tôi tin tưởng rằng với việc đã và tiếp tục thực hiện ký kết các hợp đồng thương mại tự do đã đàm phán, ký kết, cộng thêm chất lượng và năng suất nông sản nâng cao thì trong thời gian tới tình hình sẽ cải thiện hơn”, Bộ trưởng nói.

 

Câu chuyện “đầu ra” cho nông sản tiếp tục nóng phiên chất vấn chiều nay. ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nêu thực tế tại địa phương mình, hành tím Sóc Trăng cách đây 3 năm đã rơi vào cảnh “được mùa rớt giá”. Tại kỳ họp này, trả lời báo chí Bộ trưởng cho rằng đừng đổ lỗi cho nông dân. Vậy ai là người có lỗi và chịu trách nhiệm trong trường hợp hành tím, dưa hấu ế ẩm thời gian qua?”, ĐB Tâm chất vấn.

 

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng phản ánh: Cử tri cho rằng hệ thống lưu thông tiêu thụ là nguyên nhân gây ách tắc. Dưa hấu ở miền Trung có mấy nghìn đồng/kg, nhưng tại Hà Nội là 20.000 đồng/kg.

 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, sản phẩm nông nghiệp nhất là rau, quả, ngắn ngày như dưa hấu, vải thì việc trồng phân tán (trừ cây vải) nên việc tiêu thụ trong nước dài như nước ta hoặc xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, do địa bàn sản xuất và tiêu thụ khá xa, liên quan đến cước vận tải nên giá thành tăng. Không những thế, các thương nhân thu mua đưa vào chợ, siêu thị thì qua phân loại nên giá chênh lệch lớn.

 

“Chúng tôi thống kê ở ruộng dưa chỉ từ 2.500 đến 5.000 nhưng vào đến chợ dân sinh là 10 nghìn, nhưng vào siêu thị là 18 đến 20 nghìn đồng/kg. Cho nên việc phân phối, lưu thông phải được thực hiện tốt hơn là rất cần thiết”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

 

Trước băn khoăn của ĐB Trần Khắc Tâm về tình trạng hành tím rớt giá, Bộ trưởng cho biết, vừa qua do Indonesia – quốc gia nhập khẩu hành lớn của nước ta với 80.000 – 100.000 tấn mỗi năm, nay đột ngột thay đổi chính sách, giảm sản lượng nhập khẩu. “ Điều này có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc chưa kịp thời dự báo”, Bộ trưởng nói.

 

Giá điện chỉ tăng chứ không giảm?

 

Điều hành giá điện, giá xăng dầu liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương cũng được các ĐB quan tâm chất vấn. Bức xúc trước tình hình giá điện tăng “kỳ lạ”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương than: “Điện là mặt hàng kỳ lạ, tăng giá, tăng giá, tăng giá tiếp, là điệp khúc ra đời từ thuở khai sinh ra ngành điện và trách nhiệm của Bộ Công Thương ra sao về việc điều chỉnh giá điện”.

 

Nhấn mạnh điện và xăng dầu là 2 loại hàng hoá đặc biệt liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước , trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: “Mỗi khi đứng trước việc phải điều chỉnh giá, nhất là điện, với trách nhiệm Bộ được giao nhiệm vụ chủ trì, chúng tôi luôn tính toán cẩn trọng để giá theo đúng theo thị trường, không bù giá và giảm thiểu mức tối đa ảnh hưởng tới đời sống người dân nghèo, thu nhập thấp và nông dân”.

 

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tăng giá điện là vấn đề không mới nhưng luôn là vấn đề đặt ra với Quốc hội và nhân dân cả nước. Chúng ta điều chỉnh giá vào tháng 8/2013, suốt năm 2014 giữ giá ổn định, đến tháng 3/2015 mới điều chỉnh tăng 7,5%. Việc điều chỉnh giá là nằm trong chủ trương đưa theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

 

Lý giải về việc giá điện chỉ tăng chứ không giảm, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, giá điện hiện nay mới bắt đầu giá bán cao hơn giá thành, trước đây do duy trì bao cấp, chưa phải là giá thị trường nên phải điều chỉnh giá theo thị trường. Tuy nhiên, cũng không dám tăng thường xuyên theo thị trường mà phải đảm bảo ổn định an sinh xã hội.

 

Bộ trưởng Huy Hoàng cho biết, “Tới năm 2016, giá điện bán lẻ sẽ hoàn toàn theo thị trường, người mua điện được tự do lựa chọn phù hợp với khả năng của mình”.

 

Về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay mặc dù có nhiều ý kiến về việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83⁄2014⁄NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, nhưng "giá xăng dầu đang đi đúng hướng.” Với cách điều hành này, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh theo giá bình quân 15 ngày từ thị trường Singapore", Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng cam kết sẽ làm hết trách nhiệm của mình trong việc việc điều hành giá mặt hàng này, phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân, trong đó tập trung đến chú ý đến các hộ nghèo.

 

Trước vấn nạn hàng giả hàng kém chất lượng, trong đó có phân bón, thuốc trừ sâu... vấn còn tồn tại dẫn đến thiệt thòi, bức xúc đối với người nông dân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đây thực tế là trách nhiệm của Bộ Công Thương với tư cách được giao quản lý thị trường, phát hiện, xử lý sai phạm liên quan đến vi phạm các quy định thương mại, trong đó có hàng giả, hàng nhái, đã làm nhưng làm chưa tốt.

 

“Chúng tôi cam kết cam kết trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để làm tốt công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái nhất là vật tư nông nghiệp, thực hiện giám sát và tiêu thụ phân bón để bảo đảm quyền lợi người nông dân”, Bộ trưởng nói.