Cảm ơn các anh - những người lính Trường Sa

18:01, 18/06/2015

Khi đang mải miết rà tay trên bàn phím máy tính ở cơ quan, tôi bỗng nhận được điện thoại của những người lính quê Thái Nguyên đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.

Khó nói hết niềm vui khi các anh gửi lời chúc sức khoẻ, thành công nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tới tôi và các phóng viên báo Đảng tỉnh nhà.


Trong chuyến công tác đi thay thu quân, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, tôi may mắn được gặp các anh: Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Ngọc, quê ở xã Kha Sơn (Phú Bình), Thiếu tá Triệu Tiến Huy, quê ở xã Phúc Thuận (Phổ Yên) làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông thuộc huyện đảo Trường Sa. Có lẽ do cùng quê nên anh em sớm trở nên thân thiết, trở về đất liền, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Tôi kể cho các anh nghe những đổi thay của mảnh đất Thái Nguyên còn các anh vẫn truyền tới tôi tiếng sóng, tiếng gió gầm gào và cả cái nóng, hơi mặn của vùng biển Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

 

Trong hai anh, người đầu tiên tôi gặp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Ngọc. Tôi và anh cùng đi trên chuyến tàu HQ936 từ quân cảng Cam Ranh tới các đảo thuộc tuyến giữa của huyện đảo Trường Sa. Anh Ngọc say sóng nên những ngày đầu đi tàu phải nằm bẹp trong phòng, mãi tới khi tàu thả neo cạnh đảo Đá Lớn - điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác, chúng tôi mới gặp và trò chuyện với nhau. Khi tôi giới thiệu là người Thái Nguyên, khuôn mặt anh giãn ra, thoáng chút bất ngờ và vui sướng. Anh bảo: Cuộc đời anh đơn giản lắm, gia đình làm nông nghiệp, sống và lớn lên nhờ cày sâu, cuốc bẫm. Nhưng anh có một niềm tự hào, hạnh phúc là ông nội, bố đến bản thân và con trai đều phục vụ cho quân đội. Ông nội và bố anh chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp và được trao tặng khá nhiều huân, huy chương. Còn về bản thân thì anh sinh năm 1970, nhập ngũ năm 1992 tại Tiểu đoàn 23, Bộ Tham mưu Quân khu 1. Tháng 6-1994, anh học tại Trường Sĩ quan Phòng hoá ở thị xã Sơn Tây (tỉnh Hà Tây cũ). Năm 1997, anh ra trường và từ đó đến nay anh công tác tại Tiểu đoàn Phòng hoá số 20, thuộc Bộ Tham mưu Hải quân ở T.P Hải Phòng. Trong chuyến thay thu quân dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, anh Ngọc nhận nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông. Say sóng cộng với bao nỗi vất vả, thiếu thốn nhưng anh vẫn quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững vàng chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Trong chuyến công tác ấy, tôi cũng gặp Thiếu tá Triệu Tiến Huy, hiện đang là Chính trị viên phó đảo Sinh Tồn Đông. Những ngày tôi ở đảo Sinh Tồn Đông, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên đảo trong đó có Thiếu tá Triệu Tiến Huy bận rộn tổ chức Đại hội Chi bộ của đảo. Cũng vì vậy mà thời gian tôi và anh trò chuyện với nhau không nhiều. Buổi tối cuối cùng ở trên đảo, tôi sang phòng anh Huy mang theo những tờ báo Thái Nguyên mới nhất để gửi tặng. Anh Huy vui lắm vì đã lâu anh không gặp người cùng quê. Lật giở tờ báo, hai anh em mải miết trò chuyện về những đổi thay của Thái Nguyên và về cuộc đời người lính Trường Sa. Anh nói: Mình dân tộc Dao, sinh năm 1979. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, mình được điều về Vùng 4 Hải quân và năm 2008, mình xung phong ra Trường Sa công tác. Hiện mình đã lập gia đình riêng ở T.P Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Năm nào ở trong đất liền mình về thăm quê Thái Nguyên 1, 2 lần, còn ở ngoài đảo thì chịu nên nhớ nhà, nhớ quê lắm.


Buổi sáng chia tay để lên tàu về đất liền, tôi lại một lần nữa cảm nhận được tình cảm của các anh. Hôm đó, anh Ngọc đã kéo tay tôi đi trên bãi biển, nhặt những vỏ ốc đẹp nhất tặng làm kỷ niệm. còn anh Huy tặng tôi 1 mầm cây bàng vuông anh đã vất vả ươm trồng khá lâu. Nhận những món quà của các anh, tôi thực sự xúc động.


Trở lại cuộc điện thoại tôi nhận được ngày 17-6, tiếng các anh mạnh mẽ, âm vang như sóng biển: “Chúc em bút sắc, lòng trong, tâm sáng”. Gác máy, tôi thầm cảm ơn các anh và tự nhủ phải cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ của người làm báo như lời chúc của các anh - những người lính Trường Sa.