Cân nhắc nhiều nội dung mới của Bộ luật Tố tụng dân sự

08:01, 16/06/2015

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, ngày 15-6, Quốc hội (QH) dành cả ngày để các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) (sửa đổi).  

Bảo đảm mọi phán quyết phải dựa trên căn cứ pháp luật

 

Phần lớn ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi BLTTDS (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó xác định yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và coi đây là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Nhiều đại biểu tập trung thảo luận nội dung Khoản 2, Điều 4 của Dự thảo Bộ luật quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định này và cho rằng, đây là nội dung mới, nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về tòa án thực hiện quyền tư pháp, thể hiện rõ việc tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng, quy định nói trên đã giao cho thẩm phán nhiệm vụ khó khăn hơn, song đây cũng là đòi hỏi của cuộc sống nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn xét xử hiện nay. Liên quan nội dung này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, hiện có nhiều vướng mắc, tranh chấp dân sự trong cuộc sống, nhưng người dân không biết tìm đến cơ quan nào để yêu cầu giải quyết. Do vậy, quy định tòa án có trách nhiệm giải quyết những vụ việc do người dân yêu cầu và không được từ chối với lý do không có điều luật áp dụng là điều cần thiết. Điều này nhằm nâng cao vai trò của tòa án trong xã hội pháp quyền.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác đề nghị không đưa quy định này vào luật và cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện luật. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ, tòa án tiến hành xét xử độc lập và tuân theo pháp luật. Đây cũng là quy định mang tính nguyên tắc và cần được thực hiện nghiêm túc. Do vậy, nếu quy định tòa án phải tiến hành xét xử những vụ việc mà không có điều luật nào để áp dụng là vi phạm các quy định của Hiến pháp. Một số ý kiến khác cho rằng, mọi phán quyết của tòa án đều phải dựa trên căn cứ của pháp luật, do vậy nếu không có điều luật để áp dụng, nhưng tòa án vẫn phải tiến hành xét xử dễ dẫn đến phán quyết mang tính chủ quan của thẩm phán.

 

Trước những ý kiến còn trái chiều về nội dung nói trên, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần báo cáo QH kết quả khảo sát đánh giá tác động của quy định này đối với thực tiễn đời sống, từ đó QH có căn cứ để thảo luận. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nhằm tạo tính thống nhất trong các quy định của pháp luật.

 

Cần đánh giá cụ thể các quy định về án lệ

 

Một nội dung mới được nhiều đại biểu góp ý là quy định về án lệ. Một số ý kiến cho rằng, quy định án lệ là bước tiến mới, cách tân phù hợp với xu thế quốc tế. Việt Nam cần học hỏi đồng thời tự xây dựng cho mình hệ thống các vụ án có thể sử dụng làm án lệ. Các đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận), Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng, hiện có nhiều vụ án có tình tiết giống nhau, nhưng trong nhiều trường hợp lại đưa ra phán quyết khác nhau. Do vậy, việc xây dựng án lệ để áp dụng là cần thiết, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác không đồng tình với việc áp dụng án lệ vào thời điểm này. Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cho rằng, đời sống xã hội luôn vận động và phong phú hơn các quy định của pháp luật, do vậy nếu áp dụng án lệ có thể dẫn đến phán quyết tại những vụ án cụ thể không phù hợp với thực tế đời sống và không phù hợp với từng tình tiết của vụ án. Bên cạnh đó, việc áp dụng án lệ có thể khiến thẩm phán mất đi tính tự chủ trong đánh giá tính chất của từng vụ việc để đưa ra phán quyết, thậm chí các phán quyết có thể mang tính dập khuôn, máy móc. Do vậy, cần có đánh giá cụ thể các nội dung liên quan đến án lệ nhằm bảo đảm tính khả thi.

 

Cùng với những nội dung nêu trên, nhiều ý kiến phát biểu đề nghị làm rõ vai trò của Viện KSND trong quá trình tố tụng dân sự. Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai), Trần Đình Sơn (Đác Lắc) tán thành với quan điểm Viện KSND là cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự; kiểm sát tất cả các quyết định của tòa án và những người tham gia tố tụng ở các giai đoạn trước, trong và sau phiên tòa. Tuy nhiên, đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) cho rằng, trong tố tụng dân sự, Viện KSND không phải là cơ quan công tố mà chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp. Vì vậy, đề nghị cần quy định Viện KSND là cơ quan tham gia tố tụng.



Cần thuê luật sư hình sự giỏi