Dư luận xã hội là hình thức tập hợp ngẫu nhiên ý kiến cá nhân về một vấn đề, một sự kiện, một hiện tượng nào đó, có thể đúng, có thể sai. Đây là sự phản ánh bước đầu của trạng thái tâm lý mang tính chủ quan của người đánh giá.
Truyền thông với phương tiện chủ đạo là báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ tham gia vào quá trình định hướng dư luận thông qua việc cung cấp các nguồn thông tin chính thống từ chủ thể quản lý, tạo sức lan tỏa nhanh, tác động trên diện rộng và trực tiếp đến các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội để từ đó định hướng dư luận theo quan điểm chủ quan của chủ thể quản lý. Trong thời đại thông tin phát triển như hiện nay, vấn đề định hướng dư luận có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với vai trò là tiếng nói của Đảng, chính quyền, diễn đàn của nhân dân, trong thời gian vừa qua, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh và hệ thống các đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố, thị xã đã tham gia tích cực vào hoạt động định hướng dư luận. Hoạt động này không tường thuật, liệt kê sự kiện, vấn đề một cách tỉ mỉ, chi tiết mà mang tính khái quát cao, và khẳng định tính đúng đắn của sự việc, hạn chế thông tin sai lệch, xuyên tạc và không hướng dư luận vào sự tò mò, tầm thường trong đời sống xã hội.
Phóng sự có tiêu đề “Nước mắt giáo viên mầm non” của Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh đã phản ánh kịp thời đời sống khó khăn của gần 3.000 giáo viên bậc mầm non, thuộc 195 trường trên địa bàn toàn tỉnh đang hưởng chế độ ngoài công lập phát sóng đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, để rồi tỉnh đã có quyết sách đúng đắn, chuyển toàn bộ giáo viên ngoài công lập sang hưởng chế độ công lập. Trước đó, đã có nhiều dự luận, suy diễn thiếu chính xác, cho rằng: Phải “chạy” bằng tiền mới vào được biên chế Nhà nước; chính quyền vô cảm với đời sống giáo viên, thiếu trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, nhất là bậc học mầm non... Hoặc như loạt bài phản ảnh tình trạng sụt đất, nứt nhà ở thị Trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) do Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên khai thác quặng sắt gây ra. Dư luận đã có lúc trở nên “nóng bỏng” khiến cho người dân đã có những lúc phản ứng tiêu cực, cho rằng: Chính quyền bao che, bảo vệ cho doanh nghiệp, phó mặc đời sống của người dân vùng mỏ... Khi truyền hình lên sóng, phản ánh những nguyên nhân khách quan và chủ quan để rồi toàn bộ những hộ dân trong vùng chịu tác động khai thác quặng đều đồng thuận di dời sang khu tái định cư theo đúng chính sách của Nhà nước.
Cũng trong thời gian qua, Báo Thái Nguyên đã có loạt bài về xây dựng nhà Đòn, truyền đạo trái phép của tổ chức Dương Văn Mình tại các bản làng hẻo lánh của đồng bào Mông để lên án những hành vi thiếu hiểu biết của một số đối tượng dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Thông qua phỏng vấn ngay trong vùng đồng bào Mông, phân tích những nhược điểm của việc truyền đạo và dựng nhà Đòn, đồng bào đã thấy được những tác hại của tà đạo và trực tiếp lên án, đấu tranh ngay trong cộng đồng, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông trong cộng đồng. Bài báo “Tiền không thể mua được bằng cấp, tri thức” cũng đã góp phần định hướng dư luận nhìn nhận đúng đắn hơn những giá trị đích thực về giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh. Trước đó, dư luận đã có nhiều nhận định khác nhau, thậm chí cả sự hoài nghi về chuẩn mực đạo đức người giáo viên, các nhà khoa học và chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
Bằng cách nhìn nhận khách quan, bài báo về tình trạng chậm tiến độ mở rộng dự án mỏ than Khánh Hòa đã phân tích cho bạn đọc thấy được những thiệt hại về kinh tế của tập thể, của địa phương và đời sống người lao động trước mắt và lâu dài. Từ đó, chính trong cộng đồng dân cư đã có những tác động tích cực trong việc vận động làng xóm đồng thuận ủng hộ chủ trương chung, tích cực ủng hộ doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, bài báo cũng đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục kịp thời trong quá trình đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đó là: Phải bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội trước, mới mở rộng đầu tư, để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Mặc dù quy mô hoạt động trong khu vực T.P Thái Nguyên, nhưng với hai loại hình truyền thanh, truyền hình, các phóng viên Đài Truyền thanh, truyền hình T.P Thái Nguyên đã phản ánh qua loạt bài phát thanh “Sự thật về đúc tượng Quốc Tổ, Quốc Mẫu” góp phần trấn an dư luận xã hội về những tin đồn thất thiệt xung quanh quá trình đúc tượng. Đã có thời điểm dư luận cho rằng hai pho tượng “mất tích” bí ẩn, hoặc hoài nghi về nguyên liệu đúc tượng... Ở thể loại truyền hình, Đài thành phố đã đưa đến bạn xem truyền hình, cơ quan quản lý văn hóa những cảnh báo sự nguy hại từ đồ chơi của trẻ em không rõ nguồn gốc. Điện thoại, người máy, sách điện tử, ti vi đồ chơi được cài đặt những đoạn đối thoại như tiếng người biểu đạt rất phản cảm, thiếu văn hóa... đang được bày bán tự do ngoài thị trường đã được các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn sau khi phóng sự được lên sóng.
Thực tế, các phương tiện truyền thông trên địa bàn tỉnh không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh, định hướng dư luận mà còn thực hiện trách nhiệm xã hội trong hoạt động chuyên môn. Đồng thời, các cơ quan báo chí truyền thông trên địa bàn tỉnh còn là một kênh thông tin tham gia các hoạt động phản biện xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.