Tối 21-6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (TP Hà Nội) đã diễn ra lễ mít-tinh trọng thể kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6- 2015) và Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX - 2014, tôn vinh 118 tác phẩm báo chí xuất sắc.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên: Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư; các đồng chí Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương.
Tại lễ kỷ niệm, giới báo chí cả nước vinh dự và vui mừng đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nhà báo, chiến sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Suốt 90 năm qua, Báo chí Cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Người làm báo thật sự là chiến sĩ, với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch nước đề cập tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, báo chí cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, làm tròn trách nhiệm là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.
Phát biểu ý kiến tại lễ trao giải, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, nêu rõ: Trong 90 năm qua, Báo chí Cách mạng không ngừng lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng, đội ngũ người làm báo lớp lớp trưởng thành, gánh vác sứ mệnh thông tin đại chúng thiết yếu, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Các thế hệ nhà báo cách mạng qua các thời kỳ, thật sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đã tích cực tham gia và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bằng trí tuệ, ngòi bút và cả máu xương, những người làm báo đã có những đóng góp xứng đáng vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất non sông và xây dựng, phát triển đất nước...
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nêu rõ: 90 năm qua, Báo chí Cách mạng nước ta đã khẳng định những truyền thống cách mạng nổi bật. Đó là truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Đây là phẩm chất đáng tự hào của các thế hệ người làm báo trước đây và hơn 22 nghìn hội viên nhà báo hiện nay, đang ngày đêm tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước trong tâm thế vững vàng về bản lĩnh chính trị. Đội ngũ nhà báo cách mạng luôn luôn tiên phong, có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, theo lý tưởng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tiếp nối các thế hệ nhà báo đi trước, thế hệ nhà báo ngày nay được đào tạo hệ thống, cơ bản, có khả năng làm chủ công nghệ mới, ngoại ngữ tốt, chủ động bắt kịp xu thế phát triển đa phương tiện của báo chí khu vực và thế giới. Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn luôn sáng tạo, tự đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đội ngũ nhà báo nước ta đã nhanh chóng trưởng thành về chính trị, nghiệp vụ...
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Hội đồng Giải Báo chí quốc gia năm nay đã làm việc công tâm và chuyên nghiệp. Hội đồng sơ khảo đã chấm, chọn 177 tác phẩm tiêu biểu trong số hàng nghìn tác phẩm gửi dự giải để trình Hội đồng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã chấm và quyết định trao chín giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải khuyến khích, theo 11 loại giải ở cả bốn loại hình báo chí. Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất, có nội dung tư tưởng tốt, có tính phát hiện và tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thể hiện, ứng dụng hiệu quả công nghệ làm báo tiên tiến vào quá trình tác nghiệp.
Tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đồng chí Đinh Thế Huynh đã trao chín giải A cho các tác giả đoạt giải; đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã trao các giải B; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam trao giải C, tặng các nhóm tác giả, tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX - 2014.
Năm nay, Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân đã đoạt hai giải B Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn (báo in). Đó là loạt bài Sự lệch chuẩn thẩm mỹ trên truyền thông - nhóm tác giả: Phan Thanh Phong, Ngô Hương Sen, Kim Hoa, Lê Hoàng, Thu Hà; bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh: Chỉ một mục tiêu: Vị thế Việt Nam của tác giả Song Hà.
Loạt bài Nghị định 67/2014/NĐ- CP về một số chính sách phát triển thủy sản- Để ngư dân thật sự là chủ thể, của nhóm tác giả: Lê Mạnh Tuấn, Lưu Lan Hương, Lương Vũ, Xuân Trường, Đức Thảo, đoạt giải B Giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép báo chí (báo in).
Phóng sự ảnh Trường Sa- khoảnh khắc yên bình - tác giả Vũ Anh Tuấn, đoạt giải C; và tác phẩm: Hằng năm, dịp Quốc khánh 2-9 nhân dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lại nô nức vào Hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, của tác giả Trần Văn An (Hoàng An) đoạt giải Khuyến khích Giải ảnh báo chí. Loạt bài Chống hàng giả, hàng nhái - Cuộc chiến không hồi kết của nhóm tác giả: Lê Hồng Vân, Lê Ngân, Đặng Giang, Lê Hạnh Nguyên, Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân đoạt giải C Giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo điện tử).