Quốc hội trăn trở về chất lượng nguồn nhân lực

07:18, 09/06/2015

Chiều 8/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 2014 và tình hình những tháng đầu năm 2015.

Lao động chất lượng thấp sẽ khó cạnh tranh

 

Giống như phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ đã được trình tại phiên khai mạc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ trăn trở về chất lượng nguồn nhân lực.

 

Mở đầu phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu (ĐB) Đinh Công Sỹ (Sơn La) nêu vấn đề: Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2014 đã đạt chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động. Tuy nhiên, theo Tổng cục thống kê, năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp là 2,08%. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên từ 15 - 24 tuổi lại có xu hướng tăng, năm 2014 là 6,3%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cũng tăng lên 1,4%. Theo ĐB, mặc dù tỷ lệ này so với thế giới và khu vực chưa phải là cao, nhưng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm thường xuyên, nhất là trong thanh niên từ 15 - 24 tuổi đã chiếm đến trên 50% tổng số người thất nghiệp. Điều đó dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là tình trạng tội phạm trong thanh thiếu niên có xu hướng tăng ở phần lớn các địa phương trong thời gian gần đây.

 

Về giải quyết việc làm, ĐB cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá toàn diện, đầy đủ về lương, chính sách đãi ngộ cho người lao động. ĐB cũng bày tỏ lo lắng bởi chất lượng lao động cũng được đánh giá thấp trong khối ASEAN. “Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ký kết là thành viên của các cộng đồng thương mại, nhất là sẽ hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, thì những ưu điểm của lao động nước ta như: Trẻ, đông đảo, khéo tay, học nhanh... sẽ khó cạnh tranh với lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỷ luật vượt trội của các nước trong ASEAN. Đây là một trong những thách thức rất lớn của lao động nước ta” – ĐB Đinh Công Sỹ nói.

 

Do đó, ĐB đề nghị, Chính phủ quan tâm đánh giá sâu hơn về các chương trình có liên quan đến giải quyết việc làm cho thanh niên như: Thanh niên khu vực nông thôn, thanh niên vùng dân tộc thiểu số, việc làm cho lao động vùng bị thu hồi đất.

 

Cũng quan tâm đến vấn đề lao động, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, báo cáo Chính phủ chưa đề cập rõ ràng đến việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. “Để đánh giá việc sử dụng nguồn nhân lực, hãy tạm chưa đánh giá số lượng và chất lượng đào tạo, mà hãy nhìn từ việc sử dụng nhân lực đến khâu đào tạo theo cung - cầu. Nếu xã hội xem việc sử dụng qua bằng cấp là cơ bản mà không xem trình độ chuyên môn thực sự của họ thì người dạy và học sẽ hướng tới sao có tấm bằng tốt, còn chất lượng chỉ là thứ yếu” - ĐB Bùi Mạnh Hùng chia sẻ.

 

ĐB kiến nghị, báo cáo của Chính phủ cần dành thời lượng thích đáng đánh giá thực trạng việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực đến nay có hiệu quả hay không? “Hãy đề cao năng lực thực sự của cán bộ, công chức, mở rộng cửa để đón nguồn nhân lực chất lượng cao” – ĐB chốt lại phần góp ý về vấn đề này.

 

Đề cập đến các giải pháp đột phá về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị, Chính phủ kịp thời thể chế hóa các văn bản pháp luật thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm nhằm tạo chuyển biến rõ nét, đáp ứng được đào tạo nguồn nhân lực cho khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, ĐB đề nghị, cần lưu ý tình trạng “Ba không”: Không để tình trạng cơ sở đào tạo nghề khủng hoảng thừa nhưng chậm được quy hoạch, sắp xếp lại; không để tình trạng cơ sở đào tạo nghề không đáp ứng được thị trường lao động chất lượng cao; không để sinh viên cao đẳng, đại học tốt nghiệp nhưng không có việc làm.

 

Quan tâm hỗ trợ phát triển thủy sản

 

Tại phiên thảo luận chiều 8-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã giải trình làm rõ thêm về chính sách phát triển thủy sản theo Nghị quyết của Quốc hội.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Ngày 9/6/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết dành 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân, cảnh sát biển nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, trong đó có hỗ trợ nhân dân đóng tàu để bám biển. Tiếp đó, 7/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

 

Phó Thủ tướng nhắc lại tư tưởng của chính sách nhằm hai mục tiêu: Khuyến khích ngư dân bám biển và tổ chức sản xuất để tăng thu nhập từ biển, trên cơ sở thúc đẩy tổ chức lại sản xuất nghề cá trên biển; khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trước khi có Nghị quyết, đã có nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực này, tuy nhiên sau tổng kết thấy rằng, các chính sách này chưa đồng bộ, chưa toàn diện, có một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn nên kết quả còn hạn chế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi thiết kế chính sách lần này là khá đồng bộ, khá toàn diện thể hiện trên các mặt: Đầu tư hạ tầng đồng bộ, khuyến khích tổ chức lại sản xuất, mức hỗ trợ lớn…

 

Về kết quả thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết, theo báo cáo Bộ NN&PTNT tổng hợp từ 28 địa phương có biển, đến ngày 21/5, đã đăng ký 648 con tàu, trong đó đã ký hợp đồng được 52 tàu. Các bộ, ngành đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, họp với địa phương, lắng nghe ý kiến của ĐBQH, ý kiến của ngư dân và địa phương.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết thêm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ đã thảo luận về vấn đề này và thống nhất đồng ý cho phép các tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ bằng vật liệu mới, có tổng công suất máy chính từ 400CV được hưởng các cơ chế, chính sách của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; hỗ trợ chi phí thiết kế tàu vỏ gỗ, vật liệu mới. Chính phủ cũng cho phép kéo dài thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới và việc thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư; cho phép sử dụng máy tàu thủy đã qua sử dụng (máy tàu thủy cũ) đối với trường hợp nâng cấp tàu cá.

 

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng, với sự giám sát của Quốc hội, những ý kiến đóng góp của ĐB Quốc hội, của bà con ngư dân, Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng, phù hợp với thực tiễn, cùng với sự thực hiện sát sao và triển khai quyết liệt của địa phương, chính sách sẽ thu được kết quả tốt./.