Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 9/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và cho ý kiến dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Với đa số đại biểu tán thành (85,25%), Quốc hội đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Về hoạt động giám sát, Luật quy định: Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của Nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch; không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.
Về Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2016. Theo đó, trong năm 2016, ngoài việc thảo luận các báo cáo kinh tế xã hội, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; cho ý kiến về báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.
Về giám sát chuyên đề, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 nội dung. Đó là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015; định hướng phát triển khoa học, công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2025.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng,dự thảo Luật đã bổ sung các quy định mới có tính nguyên tắc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Theo đó, dự thảo thể hiện khá rõ thẩm quyền giám sát và cách xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục xem xét nội dung kiến nghị của các đoàn giám sát đối với các đối tượng chịu sự giám sát. Đồng thời, dự thảo cũng quy định một số chế tài sau giám sát, quy định rõ trách nhiệm chấp hành và thời gian thực hiện các kiến nghị giám sát.
Về vấn đề này, Ủy ban pháp luật tán thành sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể hơn trong Dự thảo Luật về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Theo đó, đối với mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản như nghị quyết, kết luận, báo cáo...Trong đó, phải nêu rõ những mặt đã làm được, mặt chưa làm được, hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp, kiến nghị xử lý cụ thể. Đồng thời, chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về nghị quyết, kết luận, kiến nghị của mình.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa, (đoàn Bắc Giang) cho rằng, xét về bản chất, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là việc các cơ quan thay mặt nhân dân để giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, dự cần thiết kế được cơ chế phù hợp để nhân dân thông qua các tổ chức chính trị xã hội đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của mình cũng có tham gia tích cực hơn vào hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Tuy nhiên, cơ chế để người dân biết và tham gia vào hoạt động giám sát của cơ quan dân cử còn chưa được quy định cụ thể trong dự thảo Luật. Đại biểu Hoàng Thị Hoa đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về công bố công khai chương trình giám sát, bao gồm cả kế hoạch, chương trình giám sát của HĐND các cấp, thường trực HĐND các cấp để người dân biết và có ý kiến, kiến nghị với các cơ quan này hoặc kiến nghị với đoàn giám sát trước khi công việc giám sát được thực hiện.
Về hiệu quả của hoạt động giám sát, một số ý kiến cho rằng, các lĩnh vực giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đều là vấn đề lớn, bức xúc. Chất lượng giám sát nhìn chung là tốt nhưng hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa được như mong muốn, còn nhiều hạn chế, làm giảm niềm tin của cử tri vào cơ quan dân cử và đại biểu dân cử. Nhiều kiến nghị của chủ thể giám sát nhưng các cấp, các ngành thực hiện chậm, không biết bao giờ mới xong nhưng cũng không ai chịu trách nhiệm, ví dụ như: Công tác bảo vệ môi trường làng nghề; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng được mùa mất giá trong sản xuất nông nghiệp; công khai minh bạch trong hoạt động của một số tập đoàn kinh tế…
Đại biểu Lê Văn Tân, (đoàn Hà Nam) cho rằng, nguyên nhân về thực hiện không nghiêm kiến nghị giám sát chủ yếu là do lĩnh vực này lớn, cần nhiều nguồn lực, cần sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành. Kiến nghị giám sát chưa chỉ rõ địa chỉ người chịu trách nhiệm cuối cùng của những tồn tại, hạn chế đó. Bên cạnh đó, chưa có quy định trách nhiệm người đứng đầu và nếu không thực hiện kiến nghị này thì sẽ bị xử lý như thế nào.
Trước tình hình đó, đại biểu Lê Văn Tân đề nghị trong dự án luật cần quy định rõ, mạnh hơn trách nhiệm chính trị người đứng đầu những ngành, lĩnh vực trong việc chậm thực hiện kiến nghị giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đồng thời, cần nêu rõ vào Luật yêu cầu trong quá trình giám sát bắt buộc phải đi thực tế; thành viên đoàn giám sát phải có các chuyên gia hiểu biết sâu về ngành, lĩnh vực giám sát; đại diện các cơ quan báo chí. Sau giám sát, phải thông tin đầy đủ kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.