Đảo Sơn Ca những ngày tháng Sáu ngập tràn niềm vui háo hức đón đoàn thân nhân của cán bộ, chiến sĩ ra thăm. Thời gian trên đảo chắc chắn sẽ không thể quên đối với những người thân yêu nhất của lính đảo nơi đây. Trong những ngày này, tôi đã may mắn kịp ghi lại những tâm sự và hình ảnh đầy cảm động trên đảo tiền tiêu đầu sóng ngọn gió này.
Sinh nhật vợ lính ở Trường Sa
Chị Dương Ngọc Ngà, giảng viên Khoa Dược lý, Đại học Y Dược Thái Nguyên là trường hợp may mắn trong số những người vợ lính đảo Sơn Ca ra thăm chồng đợt này. Ngày thứ ba trên đảo thăm chồng chính là ngày chị bước sang tuổi 32. Tại buổi sinh nhật giản dị mà ấm cúng, trong tiếng vỗ tay khích lệ của lính đảo và người thân, người vợ lính đảo đỏ dần đôi má đón nhận nụ hôn nồng ấm của chồng - Đại úy Nguyễn Minh Phú, bác sĩ, trưởng kíp quân y đảo Sơn Ca. Quà sinh nhật là một cành hoa bàng vuông tươi thắm - niềm mơ ước của rất nhiều người yêu biển đảo, yêu Trường Sa. Chị Ngà rất xúc động khi nói về cảm nghĩ của mình: “Em thực sự vui và cảm động, em thấy như ngày cưới của mình vậy. Nhưng mà đặc biệt hơn vì em được chồng và đồng đội tổ chức sinh nhật cho mình ở Trường Sa”.
Niềm vui ngày gặp mặt
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, hiện công tác ở Công ty MaNi, quê ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên xúc động kể lại với tôi: “Khi nhận được điện thoại của chồng em (Thượng úy Nguyễn Văn Bắc - đồng nghiệp của bác sĩ Phú trong kíp quân y đảo Sơn Ca) báo cho biết em sẽ được ra thăm chồng, em đã bật khóc vì vui quá. Và em rất mừng khi biết sẽ được đi cùng chị Ngà vợ anh Phú vào thành phố Hồ Chí Minh để lên tàu ra Trường Sa”. Còn chị Ngà vì rất nóng lòng nên đã ra tận bưu điện thị xã Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) để nhờ nhận trực tiếp giấy thông báo từ Quân chủng Hải quân. Chị Ngà vừa vui mừng vừa đắn đo trước quyết định đi Trường Sa vì cậu con trai thứ 2 của chị mới 14 tháng tuổi. Thế rồi, sau khi được sự động viên của hai gia đình nội ngoại, chị đã lựa chọn ra thăm chồng, hàng ngày sẽ vắt sữa để đảm bảo khi về có thể cho con bú tiếp.
Chỉ có 2 ngày để hai chị chuẩn bị quà cho chồng và đồng đội. Nhưng khi hỏi các anh thiếu gì, thích gì thì chỉ nhận được chung một câu trả lời: “ngoài đảo đầy đủ cả, chỉ thiếu vợ thôi”. Vừa hay cây sấu nhà chị Ngà năm nay sai trĩu quả, thế là chính tay bố đẻ và em trai chị Ngà đã trảy hái hơn 10 kg sấu tươi để chị mang đi. Ngoài sấu tươi, chị Ngà còn cẩn thận chọn sấu để ngâm muối và cho vào hai bình nhựa mang cùng mấy bịch chanh tươi, măng củ, trái mắc mật và ớt để làm quà cho các chiến sĩ ngoài đảo.
Lần đầu tiên trong đời chị Thúy và chị Ngà được đi máy bay, vì sợ trễ chuyến nên các chị đến sân bay trước hơn 4 tiếng để chờ làm thủ tục. Tới khi gửi hành lý, do 2 bình nhựa ngâm sấu muối bị chảy nước nên phải để lại, kì kèo xin mãi không được, chị Ngà tiếc lắm vì không thể mang ra đảo cho chồng và anh em. Nghe tới đây, tôi liền mách mẹo: “nếu còn được ra đảo thăm chồng, các chị nhớ làm cái thẻ đeo ghi rõ “vợ lính đảo Trường Sa ra thăm chồng” thì thế nào cũng nhận được sự trợ giúp nhiệt tình và chu đáo”.
Chị Thúy kể tiếp: cả 2 chị em đều chưa một lần được thăm quan thành phố mang tên Bác, nhưng ngay khi tới chỗ nghỉ là lập tức tìm chợ để mua thêm thực phẩm, trái cây. Nhưng thật không may, đi chợ cả ngày, hai chị em lễ mễ khiêng được một bao tải bưởi và mướp đắng về thì khách sạn cắt điện phòng, điều hòa tắt, trời Sài Gòn nắng nóng như nung, nhìn mấy cân cả sấu và chanh bị hỏng cả hai chị em đều đỏ hoe khóe mắt. Cơm tối xong, hai chị lại tất tả tìm mua bình và muối để ngâm sấu thay vì đi ngắm Sài Gòn về đêm. Các chị biết rằng, từng trái sấu muối kia có giá trị như thế nào với bữa cơm của chồng và đồng đội nơi đảo xa còn nhiều khó khăn cho dù các anh chẳng bao giờ than thiếu thốn vì luôn muốn gia đình an lòng.
Suốt hành trình ra đảo, thỉnh thoảng, hai chị lại thay phiên mở hộp xốp ra cho thoáng khí để bảo toàn hàng chục cân trái cây, củ quả. Vậy mà, khi gần đến nơi, toàn bộ chỗ mướp đắng mua ở chợ Thanh Đa đều thối hỏng hết phải bỏ đi. Tay vứt những trái mướp đắng xuống biển, chị Ngà lại khóc vì thương chồng cùng anh em không được ăn món mướp đắng xào trứng sở trường.
Khi tới hai điểm đầu tiên để đưa thân nhân lên đảo là Đá Nam và Song Tử Tây, nhìn thấy những người lính đảo đi trên ca nô ra tận tàu đón người thân, nghe tiếng gọi “mẹ ơi”, “vợ ơi” thì ai nấy trong đoàn đều lặng đi vì xúc động. Vậy là lại chờ thêm 2 đêm trên biển nữa mới được gặp chồng, chị Ngà kể: “em không ngủ được vì đã tới gần chồng lắm rồi nên cứ chợp mắt là lại hình dung ra chồng ra đón và nhận bó hoa tươi em đã giữ gìn rất cẩn thận”.
Sáng hôm tàu tới Sơn Ca, trời mưa như trút. Tới khi xuồng chuyển tải gần tới đảo, chị Ngà thấy rất nhiều lính đảo chờ sẵn nhưng ai cũng mặc áo mưa, đội mũ nên chẳng thể nhận ra chồng mình đâu. Tới khi vòng tay thân thuộc ôm chặt lấy eo nhấc bổng mình lên và tiếng chồng ấm áp ngay sát bên tai “vợ à” thì chị Ngà mới bật khóc vì sung sướng. Niềm hạnh phúc vỡ òa với những giọt nước mắt của ngày gặp mặt hòa lẫn những hạt mưa mát lành tưới xanh đảo nhỏ sau nhiều tháng liền khô cạn.
Nguồn động viên của lính đảo
Trò chuyện với bác Trần Văn Mến, 59 tuổi, hiện ở xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, tôi được biết bác ra đảo thăm con rể là Trung úy chuyên nghiệp Bùi Minh Nam (quê ở Nghi Hoa, Nghi Lộc, Nghệ An, có vợ là chị Trần Thị Loan hiện là nhân viên bán hàng ở Mĩ Ca, Cam Ranh, Khánh Hòa). Do bố mẹ đẻ anh Nam đã gần 80 tuổi và chị Loan còn nuôi con nhỏ nên bác Mến đã đăng ký ra đảo thăm con rể. Lẽ ra bác đã được ra Trường Sa từ năm ngoái, nhưng bác bảo do sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trái phép mà chuyến ra đảo đó phải hoãn tới tận năm nay.
Món quà đất liền mà bác Mến mang ra tặng con rể thật ý nghĩa, đó là những hình ảnh mới nhất của gia đình, vợ con anh Nam. Còn kỷ vật mà con rể tặng bố vợ cũng thật đặc biệt - đó là cành bàng vuông được anh Nam chiết sẵn để bác Mến mang về tặng lại Ủy ban xã mang trồng tại Nghĩa trang Liệt sĩ địa phương.
Những ngày ở trên đảo, bác Mến đã dành thời gian quan sát phong cảnh của đảo, tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt của anh em chiến sĩ. Điều ấn tượng nhất đối với bác chính là sự vững mạnh của đảo cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần vững vàng, kỷ luật nghiêm túc của cán bộ chiến sĩ. Toàn đảo rất đoàn kết, tình cảm yêu thương chan hòa, trách nhiệm cao, ý thức tổ chức cải thiện đời sống và học tập, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu rất tốt. Bác Mến cũng rất cảm động trước sự nhiệt tình, chu đáo của chỉ huy, cán bộ và chiến sĩ đảo Sơn Ca dành cho đoàn thân nhân ra thăm lần này.
Trong đêm văn nghệ giao lưu trên đảo, bác Mến chính là “ca sĩ” có ấn tượng đặc biệt khi thể hiện bài hát Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Bác bảo, vì không có chị em nào lên sân khấu nên bác đã lên để động viên anh em hết mình với tinh thần tươi trẻ của người chiến binh năm xưa từng vượt Trường Sơn đi cứu nước.
Sau chuyến thăm này bác Mến có kế hoạch sẽ tuyên truyền về Trường Sa, về biển đảo tại các trường tiểu học, trung học ở địa phương với những câu chuyện, hình ảnh thực tế để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền và tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc.