Sau nhiều tranh luận, Quốc hội đã thống nhất quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước có nhiệm kỳ 5 năm, phù hợp với nhiệm kỳ Quốc hội, thay vì 7 năm như luật hiện hành. Sáng 24-6, Luật Kiểm toán Nhà nước đã được các đại biểu tham dự kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII thông qua với 88,66% đại biểu tán thành.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận ở hội trường, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến: đề nghị quy định nhiệm kỳ Tổng Kiểm toán Nhà nước là 5 năm, phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội. Quan điểm khác đề nghị quy định nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm như Luật hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Kết quả, đa số đại biểu (79,23%) đồng ý với phương án: “Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm), có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ”. Quy định này đã được thể hiện tại khoản 3 Điều 12 của Dự thảo luật.
Có ý kiến đề nghị, cân nhắc tính bắt buộc của Báo cáo kiểm toán và cho rằng chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, bộ chuyên ngành, quản lý Nhà nước, Bộ Công an, tòa án xác định đó là sai phạm. Có ý kiến đề nghị cần có ý kiến của cơ quan cấp trên thì đối tượng được kiểm toán mới thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định có tính bắt buộc của báo cáo kiểm toán nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc đưa ra các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, khắc phục tình trạng thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước những năm qua chưa nghiêm do tồn tại của Luật hiện hành.
Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng mang tính độc lập, không một cơ quan nào có thể can thiệp và Kiểm toán Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước kết luận, kiến nghị của mình. Vì vậy, việc quy định Báo cáo kiểm toán phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp xác định có sai phạm là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Khi có căn cứ cho rằng, kết quả kiểm toán ghi trong báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại theo Điều 69 của Dự thảo luật.
Luật Kiểm toán Nhà nước gồm 9 chương, 73 điều, có hiệu lực từ 1-1-2016.