Phạm vi trưng cầu ý dân được quy định trong dự thảo luật Trưng cầu ý dân là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau khi đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường.
Cơ quan soạn thảo cho rằng những vấn đề đưa ra trưng cầu có ý nghĩa tầm quốc gia nên toàn dân quyết định. Còn những vấn đề của địa phương, khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thẩm tra dự án luật cũng đồng ý với quan điểm này.
Nêu ví dụ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay một dự án có nên trưng cầu ý dân ở địa phương, khu vực chịu tác động hay không, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng cần chia thành hai cấp độ để giải quyết vấn đề này.
Theo đó, việc có phát triển điện hạt nhân hay không thì phải tổ chức trưng cầu ý dân ở phạm vi quốc gia. Còn xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở địa phương nào, có được hay không sẽ lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Từ quan điểm trên, đại biểu Vinh ủng hộ quy định như dự thảo là trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận).
Không đồng ý với lập luận trên, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nhấn mạnh tính chất pháp lý và hệ quả của hình thức lấy ý kiến nhân dân hoàn toàn khác trưng cầu ý dân.
Trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, kết quả có giá trị quyết định.
Lấy ý kiến nhân dân lại thực hiện một cách đơn giản, có khi chỉ bằng một cuộc họp mà số lượng người dự không được quy định đảm bảo số đông hay tỷ lệ phần trăm lựa chọn phương án là bao nhiêu.
Kết quả lấy ý kiến nhân dân không có giá trị quyết định, chỉ là thông tin tham khảo và quyền quyết định thuộc về các cơ quan có thẩm quyền.
Theo đại biểu, điều đó là không công bằng, việc thực thi quyền trực tiếp của người dân địa phương không được coi trọng. Những vấn đề đặt ra có lẽ mang tính sống còn, bức xúc ở địa phương, khu vực như sự an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi; an toàn hạt nhân, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nhập chia các đơn vị hành chính…
Do vậy, ông Niễn đề nghị phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện cả tầm quốc gia và ở cả địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cũng cho rằng, với đặc thù địa lý, chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam và nhận thức của người dân thì ngoài quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc cần quy định mở theo hướng trong trường hợp cần thiết Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân ở một hoặc một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương về vấn đề có tác động trực tiếp đến địa phương.
Theo đại biểu, quy định như vậy là cần thiết, tạo thuận lợi cho nhân dân địa phương, tránh lãng phí, đảm bảo tính hiệu quả khi vấn đề chỉ liên quan, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân một địa bàn.
Kết quả trưng cầu ý dân trong trường hợp này phản ánh đúng nguyện vọng, mong muốn của người dân địa phương đối với chính sách của Nhà nước; đồng thời phản ánh đúng bản chất của trưng cầu ý dân, đảm bảo chủ trương, chính sách của nhà nước xuất phát từ người dân, phù hợp với người dân./.