Xây dựng đội ngũ những người làm báo “Tâm sáng, lòng trung, bút sắc”

10:39, 18/06/2015

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước là diễn đàn tin cậy của nhân dân, là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

90 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21-6-1925) ra đời, báo chí Việt Nam nói chung, báo chí Thái Nguyên nói riêng không ngừng phát triển phong phú và đa dạng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Thái Nguyên rất đáng tự hào là nơi đóng chân của những cơ quan Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cho nên nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam lần lượt ra đời trên mảnh đất quê hương cách mạng, như: Hệ thống Đài Tiếng nói Việt Nam; hệ thống Thông tấn xã và một số báo của quân đội, như: Báo Quân du kích, Cờ giải phóng… Chính vì sự phát triển mạnh mẽ đó, đặc biệt là thấy rõ tầm quan trọng của báo chí, nên Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập lớp báo chí cách mạng đầu tiên mang tên lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng vào năm 1949 tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ.

 

Với truyền thống đó, Thái Nguyên sớm được thừa hưởng kết quả của những năm tháng báo chí cách mạng hoạt động trên mảnh đất này, nên báo chí Thái Nguyên đã có những bước phát triển căn bản và mạnh mẽ. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng xu thế phát triển chung của báo chí trong nước, khu vực và trên thế giới, Thái Nguyên đã hội tụ đủ các loại hình báo chí: Báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Ở từng lĩnh vực và nhiệm vụ được phân công, các cơ quan báo chí đã chủ động đổi mới nội dung, hình thức; nâng cao năng lực về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; coi trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị mới… đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Các cơ quan báo chí, nhất là Báo Thái Nguyên, Đài PTTH tỉnh, Báo văn nghệ Thái Nguyên, Trung tâm thông tin tỉnh… đã tiệm cận thông tin mới, hiện đại, cập nhật các hoạt động của cấp ủy, chính quyền, kịp thời tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân và ngược lại phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân nhân đến với Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý. Nhiều tấm gương, tập thể điển hình đã được các cơ quan báo chí phát hiện, cổ vũ, nhân rộng; những hiện tượng tiêu cực, lãng phí, sách nhiễu nhân dân  được các cơ quan báo chí thẳng thắn phê bình…

 

Ngoài ra, các cơ quan báo chí còn có trang thông tin điện tử cập nhật sớm hơn, nhanh hơn thông tin của địa phương đến với bạn đọc trong và ngoài nước; có những chuyên mục, bản tin tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc… Báo Thái Nguyên in đã phát hành nhật báo từ năm 2013; ấn phẩm Thái Nguyên hằng tháng phát hành đều đặn mỗi tháng một kỳ; Trang Thái Nguyên Điện tử cập nhật kịp thời, chính xác với nhiều thông tin mới, ngắn ngọn. Đài PTTH tỉnh đã có 2 kênh sóng TN1, TN2 phát sóng trên vệ tinh Vinasat1, Vinasat2 với nhiều chương trình, nội dung phong phú, hấp dẫn…

 

Bên cạnh những thành tựu trên, thì báo chí hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là cần khắc phục xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, coi nhẹ chức năng chính trị tư tưởng của báo chí cách mạng; thiếu nhạy bén chính trị, có khuynh hướng "thương mại hoá" đơn thuần, chạy theo thị hiếu tầm thường, nặng thông tin về những hiện tượng tiêu cực, yếu kém, mặt trái của xã hội, thổi phồng, khoét sâu vào các thiếu sót, khuyết điểm, làm "nóng" lên một số vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của các ngành, địa phương. Tránh thông tin sai sự thật, suy diễn chủ quan, khi biết sai không cải chính hoặc cải chính không nghiêm túc; khai thác và sử dụng thông tin của báo chí nước ngoài thiếu chọn lọc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, truyền thống văn hoá của dân tộc…

 

Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) diễn ra đúng vào thời điểm cấp ủy các cấp đang tiến hành Đại hội Đảng, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây là dịp để các nhà báo có cái nhìn sâu sắc về thành tựu, những hạn chế của nhiệm kỳ vừa qua thông qua các tác phẩm báo chí. Đồng thời cũng cổ vũ tình thần, khí thế mới cho các cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân bước vào nhiệm kỳ mới 2015-2020 với niềm tin và thắng lợi mới. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các thế lực thù địch lợi dụng chính sách tự do ngôn luận, tự do báo chí tìm cách chống phá cách mạng của ta. Vì vậy, để giữ vững được lập trường, quan điểm chính trị của báo chí cách mạng, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo Thái Nguyên cần quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ chức năng “Báo chí là tiếng nói của Ðảng, là diễn đàn của Nhân dân”. Thông tin cần sát với tình hình thực tế và phải có chiều sâu. Tích cực nhân rộng những điển hình tiên tiến, đồng thời phát hiện, phê phán, đấu tranh chống âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng, đấu tranh chống tham ô, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực, nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

 

Các cơ quan báo chí phải coi trọng xây dựng đội ngũ nhà báo gương mẫu, trong sạch có “tâm sáng, lòng trung, bút sắc”; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, nhất là tư duy, nghiệp vụ làm báo hiện đại để theo kịp với xu hướng phát triển chung của báo chí cả nước trong bối cảnh truyền thông toàn cầu hoá. Bản thân những người làm báo phải ra sức học tập, rèn luyện, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và những định hướng lớn của tỉnh để xây dựng kế hoạch tuyên truyền đúng và trúng, đặc biệt là việc tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới…

 

Nhân 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi chúc các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo Thái Nguyên tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, đoàn kết, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.