Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 12-6, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh, yếu tố con người, lực lượng thực thi công vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rất quan trọng.
Lực lượng trong sạch, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức trách nhiệm cao góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Giải trình về chủ đề này, Bộ trưởng đã nêu ra bốn giải pháp.
Thứ nhất là về khung khổ pháp lý. Hiện nay có khá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác hướng dẫn thực hiện liên quan đến xử phạt các hành vi gian lận thương mại. Tuy nhiên, những quy định này mặc dù có khá nhiều, nhưng trong khá nhiều trường hợp, mức độ xử lý chế tài chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, những người vi phạm vẫn cố tình có sai phạm tiếp theo, kể cả những người sai phạm mới. Cho nên, kiến nghị trong văn bản quy phạm pháp luật cần xem xét sửa đổi để nâng chế tài xử phạt lên, đủ sức răn đe đối với hành vi sai phạm.
Thứ hai, trong chống buôn lậu, gian lận và hàng giả, kinh nghiệm thời gian vừa qua, đặc biệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải tập trung đánh mạnh vào những cơ sở, đầu nậu, ổ nhóm tàng trữ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Kinh nghiệm trong các năm 2012, 2013 xử lý buôn gà lậu, chúng ta đã đánh rất mạnh vào 17 cơ sở buôn gia cầm lậu. Sau đó, tình hình buôn lậu gia cầm qua biên giới giảm hẳn.
Thứ ba, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ý thức được việc bảo vệ sản xuất trong nước, không tiếp tay cho các hành vi tàng trữ, lưu thông và sử dụng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Vừa qua, Bộ Công thương đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường ở 63 tỉnh, thành phố vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tàng trữ, buôn bán và lưu thông hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Đến thời điểm hết quý 1 năm 2015, theo thống kê bước đầu, có hơn 200 nghìn hộ kinh doanh đã ký cam kết và đã thực hiện. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc giữa ký cam kết và thực hiện cho thấy, phần lớn các hộ kinh doanh này đã chấp hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỷ lệ khoảng 10% trong số kiểm tra chưa thực hiện nghiêm túc và đã bị xử phạt hành chính.
Thứ tư là con người. Lực lượng công chức, viên chức thực thi công vụ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đây là yếu tố rất quan trọng, nếu chúng ta có lực lượng trong sạch, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức trách nhiệm cao, chắc chắn sẽ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Về ý kiến của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bình Phước, nêu hiện tượng một số doanh nghiệp núp bóng hàng Việt Nam chất lượng cao đưa về tiêu thụ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Công thương bày tỏ sự phẫn nộ đối với những hành vi này.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để xảy ra việc này không chỉ liên quan đến việc vô trách nhiệm của các tập thể, cá nhân này, mà còn có thể nói là vô lương tâm khi đưa hàng này lên tiêu thụ ở khu vực miền núi, vùng xâu, vùng xa, vì chính đồng bào sống ở khu vực này là những người có thu nhập thấp, kiến thức để nhận biết được hàng hóa rất hạn chế.
Bên cạnh lên án, phê phán, cần nghiêm túc xử lý những trường hợp này. Thực tế trong thời gian vừa qua, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Bộ Công thương đã nhắc nhở các Sở Công thương, quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra các đợt đưa hàng Việt về nông thôn để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi này.