Bài học từ phát huy nội lực của xã Cổ Lũng

15:50, 09/07/2015

Đồng chí Ma Văn Rục, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Lương nhận xét: Những năm gần đây, Đảng bộ xã Cổ Lũng đạt được những kết quả khá toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Nổi bật nhất là xã đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014 - sớm hơn dự kiến 1 năm, hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Kết quả đó minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy và đặc biệt là sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân trong xã. Được coi là xã có điều kiện thuận lợi hơn một số địa phương khác trong huyện, nhưng Cổ Lũng đã gặp không ít khó khăn, nhất là ở giai đoạn đầu xây dựng NTM như: là xã thuần nông, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 mới đạt 14 triệu đồng/năm; đại đa số người dân chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng NTM nên nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại; phần lớn trong số 35,5km đường trục xóm, liên xóm trên địa bàn đều là đường đất lầy lội vào mùa mưa; hạ tầng cơ sở vật chất văn hóa, trường học, thủy lợi vừa thiếu lại vừa yếu… Nhu cầu nguồn vốn đầu tư lớn, sự hỗ trợ từ cấp trên có hạn cộng với tâm lý của người dân chưa “thông” nên đến cuối năm 2012, việc triển khai xây dựng NTM của xã Cổ Lũng vẫn gần như không “nhúc nhích”.

 

Đồng chí Vũ Văn Cương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cổ Lũng cho biết: Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đã đề ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM trên cơ sở rà soát, phân tích kỹ điều kiện thuận lợi, khó khăn của địa phương. Nghị quyết nhấn mạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, đả thông tư tưởng của cán bộ và nhân dân, qua đó phát huy nội lực theo phương châm “lấy sức dân lo cuộc sống cho dân”. Nhiều cán bộ xóm, xã được cử đi tham quan những mô hình xây dựng NTM hiệu quả.

 

Để xây dựng NTM trở thành phong trào thiết thực, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, Đảng ủy xã Cổ Lũng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác dân vận. Chị Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội phụ nữ xã chia sẻ: Chúng tôi đã vận động các gia đình hội viên hiến được 12.226m2 đất và ủng hộ 7 triệu đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn; duy trì và nhân rộng mô hình “chi hội nòng cốt tham gia xây dựng NTM”. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Hội Phụ nữ xã đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các tổ phụ nữ bảo vệ môi trường tại 10 xóm; trực tiếp giúp đỡ bằng cách tư vấn, cho vay giống cây, con để giúp 17 gia đình hội viên thoát nghèo bền vững...

 

Nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã theo nhiệm vụ được phân công đã tích cực bám sát cơ sở; thường xuyên dự các buổi họp xóm, sinh hoạt chi bộ nông thôn để kịp thời nắm bắt tình hình, truyền tải tinh thần của Nghị quyết Đảng bộ xã, đồng thời phân tích, vận động nhân dân. Xã cũng đã tổ chức 9 cuộc thi, hội nghị tuyên truyền về NTM cho gần 4.000 lượt người tham gia. Cùng với đó, Đảng ủy xã quán triệt quá trình huy động đối ứng xây dựng hạ tầng phải được công khai, dân chủ; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng chí Trịnh Quang Thanh, Bí thư Chi bộ xóm Bờ Đậu cho biết: Cuối năm 2012, khi bắt tay làm 900 mét đường bê tông trục xóm, chúng tôi đã gặp khó khăn do người dân chần chừ hiến đất và đóng tiền đối ứng. Tuy nhiên do Chi bộ và xóm tích cực tuyên truyền, vận động, quán triệt các đồng chí đảng viên gương mẫu thực hiện trước nên 30 hộ dân đã đồng ý hiến đất, đối ứng và nhiệt tình góp công để hoàn thiện con đường trong thời gian ngắn.

 

Đồng chí Vũ Văn Cương cho rằng, khi tư tưởng của người dân đã thông, từ đầu năm 2013, công tác xây dựng NTM của xã Cổ Lũng “băng băng” về đích. 466 hộ dân của xã đã hiến trên 31.000m2 đất, đối ứng 7,3 tỷ đồng và nhiều ngày công để xây dựng 17,5km đường bê tông, 8 nhà văn hóa xóm, 1 trường học…

 

Về phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến; tạo điều kiện cho người dân được vay vốn của ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, tín chấp để họ mua vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm. 5 năm qua, xã đã tổ chức được 79 lớp tập huấn cho hơn 4.000 lượt người; triển khai hiệu quả mô hình cánh đồng một giống trên tổng diện tích 150ha; trồng mới và trồng thay thế 75,3ha chè cành (Nghị quyết là 20ha), trồng mới 133ha rừng sản xuất; nhiều giống cây, con mới được đưa vào trồng khảo nghiệm và nhân rộng như thanh long ruột đỏ, bưởi diễn, táo lai, cá giống… Vì thế, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đã đạt 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,7% năm 2011 xuống còn 3,8%, toàn xã có 229 hộ đạt thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

 

Tháng 3 vừa qua, xã Cổ Lũng đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM trong niềm hân hoan của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm và sự gương mẫu của từng đảng viên cùng nội lực trong nhân dân được phát huy tốt là những bài học kinh nghiệm quan trọng được Đảng bộ xã rút ra trong chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết nhiệm kì qua.