Chủ tịch Xuphanuvong trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

10:17, 13/07/2015

Hoàng thân Chủ tịch Xuphanuvong sinh ngày 13/7/1909 tại kinh đô Luang prabang trong một gia đình hoàng tộc: cha là phó vương Bunkhoong (phó vương cuối cùng của Luang prabang), mẹ là bà Monkhamquana.

Năm mới 11 tuổi, Hoàng thân đã đến Việt Nam học tại trường ALBert Saraut Hà Nội. 10 năm sau, năm 1920, ông sang học tại Pháp và tốt nghiệp Đại học Quốc gia Cầu đường Pari, trở thành kỹ sư cầu đường đầu tiên ở Đông Dương. Sau đó, ông về trung kỳ Việt Nam công tác và đã từng đảm nhiệm chức vụ Kiến trúc sư trưởng khu công chánh tại Nha Trang, tham gia thiết kế xây dựng khá nhiều công trình thủy lợi trên đất Việt Nam, trong đó có những công trình cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, tiêu biểu như: Đài tháp nước Phan Thiết, đập Bãi Thượng miền núi Thanh Hóa và Đô Lương - Nghệ An… hiện vẫn đang được khai thác phục vụ sản xuất.

 

Hoàng thân Xuphanuvong là một trong những người Lào đầu tiên tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phái ông Lê Văn Hiến vào Vinh mời Hoàng thân ra Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến cách mạng hai nước Việt - Lào. Cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra ngày 4/9/1945 sau khi nước Việt Nam chính thức tuyên bố độc lập đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người kỹ sư yêu nước đầy tài năng. Từ đó ông bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình.

 

Tháng 10/1945 Hoàng thân Xuphanuvong được Chính phủ độc lập lâm thời Itxala bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

 

Ngày 30/10/1945 tại thủ đô Viêng Chăn, khi thành lập liên quân Việt- Lào, Hoàng thân được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy liên quân Lào - Việt. Từ đó Hoàng thân luôn gắn bó với các chiến sĩ bộ đội Việt Nam cùng họ sống chiến đấu vì nền độc lập của hai dân tộc. Với lối sống khiêm nhường giản dị, các chiến sĩ không phân biệt được đâu là vị Hoàng thân, một vị tổng chỉ huy mà chỉ thấy ở Hoàng thân toát lên vẻ bình dị, đôn hậu luôn hết mình vì cách mạng.

 

Năm 1946 thực dân Pháp trở lại xâm lược ba nước Đông Dương, ngày 21/3/1946, trong một trận chiến đấu bảo vệ thành phố Thà Khẹt, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng thân, liên quân Lào - Việt đã chiến đấu anh dũng, nhưng trước sức mạnh vượt trội của giặc Pháp được sự tiếp sức của quân Anh,  Hoàng thân và lực lượng liên quân phải vượt sông Mê Kông dời sang đất Thái Lan để  bảo toàn lực lượng. Để bảo vệ an toàn cho Hoàng thân, đồng chí Lê Thiệu Huy, Tham mưu trưởng liên quân đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân và đã anh dũng hy sinh, và Hoàng thân cũng bị thương nặng. Máu của lực lượng chiến đấu liên quân Lào - Việt và nhân dân đã nhuộm đỏ dòng Mê Kông, khắc sâu tội ác của thực dân Pháp xâm lược. Tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ chiến sĩ Việt Nam đã để lại cho nhân dân các bộ tộc Lào nói chung và Hoàng thân nhiều tình cảm sâu đậm.

 

Sau khi bình phục vết thương, Hoàng thân tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến trong nước, song điều kiện lúc bấy giờ không thuận lợi. Chính phủ Thái Lan không ủng hộ phong trào cứu nước của Lào. Trong tình thế khó khăn đó, Hoàng thân nhận được lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vùng tự do của Việt Nam để bàn bạc việc cứu nước và Hoàng thân đã nhận lời.

 

Tháng 11/1949, Hoàng thân cùng một số đồng chí trung kiên của Lào lên đường sang Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Tử Quý, tình nguyện quân Việt Nam là người bảo vệ và dẫn đường, từ Băngkoc đi xe lửa đến Udon, từ Udon đi xe hơi đến Nọong khai (Thái Lan) rồi xuống thuyền vượt sông Mê kong cập bến Bạn Bung Quang. Lên tới bờ, Hoàng thân quỳ xuống lạy Tổ quốc thân yêu sau 4 năm xa cách. Sau chặng đường dài vượt bao khó khăn gian khổ, đi bộ hàng ngàn cây số qua rừng Trường Sơn để đến với bạn chung lý tưởng Việt Nam. Ngay sau khi đến An toàn khu Việt Nam, Chủ tịch Hồ  Chí Minh cho người đi mời Hoàng thân đến gặp Người để trao đổi những vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Những ngày sau đó Bác Hồ tự đi bộ đến thăm Hoàng thân. Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước nồng nàn của Hoàng thân Xuphanuvong và tỏ mong muốn hợp tác giúp đỡ Lào, tạo thành một lực lượng đoàn kết vững mạnh đánh bại quân thù. Bác Hồ nói “ Lào - Việt Nam là bạn láng giềng thân thiết có chung một kẻ thù, ta phải đoàn kết lại đấu tranh đánh bại giặc Pháp, giành độc lập tự do cho mỗi nước, nước Lào có độc lập thì Việt Nam mới có độc lập thật sự”. Những ngày sau đó Ban Chấp hành Trung ương  Đảng cộng sản Đông Dương đã tổ chức cho đoàn cán bộ Lào học chính trị lý luận cách mạng trong thời gian 3 tháng và giúp bạn tổ chức Đại hội Neo Lào Itxala lần thứ nhất từ ngày 13-15/8/1950 tại khu căn cứ huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội tập trung đại biểu của mọi tầng lớp dân tộc, lực lượng vũ trang Lào trên mọi miền tổ quốc đến dự. Đại hội quyết định thành lập mặt trận Neo Lào Itxala (mặt trận Lào tự do) để tập hợp mọi tầng lớp lực lượng yêu nước, yêu tự do và dân chủ vào trong một khối đoàn kết thống nhất.

 

Đại hội đã bầu Hoàng thân Xuphanuvong làm chủ tịch Neo Lào Itxala và kiêm Thủ tướng Chính phủ Lào kháng chiến và nhiều vị trí quan trọng khác trong chính phủ. Đồng chí Cayxonphonvihan, Phó Chủ tịch Neo Lào Itxala kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy quân đội Lào Itxala.

 

Trong 2 ngày, 1 và 2/12/1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào đã họp tại thủ đô Viêng chăn với 264 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các bộ tộc tôn giáo, trí thức, lực lượng vũ trang. Đại hội lần này đã chấp nhận sự thoái vị của vua Xỉ Xá Vàng Vắt tha na, quyết định giải thể Chính phủ liên hợp dân tộc lâm thời và Hội đồng Quốc gia chính trị liên hiệp, xóa bỏ chế độ phong kiến thành lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân. Chủ tịch Xuphanuvong được đại hội bầu làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao, Chủ tịch Trung ương Neo lào Hắc xạt .

 

Chủ tịch Xuphanuvong là Chủ tịch nước đầu tiên của Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

 

Trong mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào -VIệt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Xuphanuvong vừa là kiến trúc sư vừa là biểu tượng của tình đoàn kết đó. Với câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” Bác còn căn dặn cán bộ chiến sĩ nhân dân Việt Nam “ Hãy cố  gắng gìn giữ, bảo vệ tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Việt - Lào như bảo vệ con ngươi của mắt mình”.

 

Ngày 25/5/1971, nhận lời mời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Xuphanuvong sang thăm Việt Nam. Trở lại mảnh đất có nhiều gắn bó với sự nghiệp cách mạng của mình, đến đâu Người cũng được nhân dân Việt Nam nồng nhiệt đón tiếp. Trong bầu không khí thắm tình đoàn kết hữu nghị, thủy chung Người phát biểu: “Quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại. Không có bài hát, bài thơ nào ca ngợi hết được. Tình đoàn kết Lào - Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị tốt đẹp đó được vun đắp bằng tinh thần trong sáng không có kẻ thù nào phá nổi”. Chính sức mạnh đoàn kết đó, cách mạng hai nước Việt - Lào đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cùng giành thắng lợi trọn vẹn vào năm 1975 mở ra trang mới cho hai nước Việt Nam - Lào.

 

Kỷ niệm 106 năm ngày sinh của Hoàng thân Chủ tịch Xuphanuvong nhân dân hai nước Việt Nam - Lào luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Xuphanuvong, tăng cường hơn nữa tình hữu nghị đoàn kết gắn bó, keo sơn, bền chặt và hợp tác toàn diện có hiệu quả góp phần quan trọng trong sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ vững chắc và xây dựng thành công Tổ quốc Xã chủ nghĩa.