Chú trọng phát triển đảng viên ở vùng nông thôn, miền núi

23:12, 29/07/2015

Đảng bộ huyện Đồng Hỷ hiện có 54 tổ chức cơ sở đảng, 369 chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở với gần 6 nghìn đảng viên. Nhiệm kỳ qua, 100% chi bộ các tổ dân phố, xóm, bản của huyện, ngay cả những thôn, bản vùng sâu, vùng xa của các xã miền núi, khó khăn như Bản Tèn, Liên Phương (Văn Lăng); Mỏ Ba (Tân Long)... đều phát triển và duy trì được số lượng, chất lượng đảng viên.

Có được kết quả này là do nhiều năm qua, Đồng Hỷ đã chú trọng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng ở các cấp cơ sở, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi. Được biết, toàn huyện có 18 đơn vị hành chính, trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn, 1 xã ATK với 66 xóm đặc biệt khó khăn. Đối với các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tân Long, Tân Lợi, Văn Lăng, Khe Mo, Văn Hán, Nam Hòa… điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ của người dân chưa đồng đều, nhất là nhận thức về Đảng chưa sâu sắc. Điều này đã dẫn tới chất lượng kết nạp đảng viên mới hằng năm ở các địa phương trên gặp nhiều khó khăn.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thu, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Chúng tôi xác định, làm tốt công tác phát triển Đảng tại các địa phương nhất là ở các địa phương khó khăn sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ở các chi bộ, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí cho người dân. Bởi thế, huyện đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương quan tâm, đẩy mạnh công tác phát triển đảng ở nông thôn, miền núi tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, phát triển đảng viên chú trọng đến đội ngũ đoàn viên, quần chúng là nữ, người dân tộc thiểu số.

 

Ban Chấp hành đảng bộ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/HU về công tác phát triển đảng viên giai đoạn 2011-2015 và coi công tác kết nạp đảng viên là việc làm thường xuyên, một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên hàng năm. Huyện cũng gắn kết nạp đảng viên với việc triển khai, thực hiện tốt Đề án số 07-ĐA/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

 

Công tác xem xét, kết nạp đảng viên được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, nguyên tắc. Huyện đã quán triệt, phân công cấp uỷ viên phụ trách và báo cáo tiến độ phát triển đảng viên ở các thôn, bản khó khăn. Cấp uỷ các xã cũng cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn để nắm tình hình nguồn phát triển đảng viên và chỉ đạo các đoàn thể chủ động bình xét, giới thiệu quần chúng ưu tú để cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; tiếp tục giao nhiệm vụ và rèn luyện, thử thách trước khi xét kết nạp vào Đảng… Hằng năm, Đảng bộ huyện đều đặt chỉ tiêu kết nạp từ 170-200 đảng viên và đều hoàn thành kế hoạch đề ra.

 

Nhờ đó, công tác phát triển đảng viên ở vùng nông thôn, miền núi đã đạt được nhưng kết quả khả quan. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã kết nạp được 948 đảng viên mới, trong đó có 341 đảng viên mới ở khu vực nông thôn; 323 đảng viên là người dân tộc thiểu số… Đến nay, tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ đạt gần 6 nghìn đảng viên; 100% xóm, bản, tổ dân phố, có đảng viên; 240/257 xóm, tổ dân phố có chi bộ riêng; 100% trường học, 77,78% trạm y tế có chi bộ riêng. Các đảng viên được kết nạp đều đảm bảo đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Đa phần các đảng viên đều phát huy được tinh trần, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế tại địa phương. Nhiều đảng viên được nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền, cấp uỷ.

 

Việc phát triển đảng viên ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa thời gian qua đã có tác dụng tích cực trong việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ thôn, bản trên địa bàn huyện. Nhiều đảng viên mới kết nạp được các tổ chức cơ sở Đảng giao nhiệm vụ tham gia quản lý hoạt động công tác đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... đã phát huy năng lực và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Chính vì thế, các cấp uỷ đảng ở địa phương đều chú trọng và xác định công tác phát triển đảng viên ở vùng nông thôn, miền núi là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức đảng nói riêng, xây dựng Đảng nói chung. Qua đó, nhằm củng cố, xây dựng, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng, trẻ hoá đội ngũ cán bộ, tạo nguồn thừa kế cho các tổ chức cơ sở đảng tại các vùng còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên; quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, chính quyền và các đoàn thể…