Đổi mới giáo dục và đào tạo phải trên cơ sở kế thừa, phát triển

17:38, 14/07/2015

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), ở mục 4 (văn hóa - xã hội), phần 4.2 (nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu) nêu rõ: Tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở tất cả các bậc học, ngành học...” Tại cuộc thảo luận về nội dung trên do Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức, các nhà giáo đã hiến kế nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến để chia sẻ cùng độc giả.  

Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT là đổi mới cốt lõi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quát, nguyên Giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

 

Theo tôi, đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT của nước ta sau năm 2015 là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra, đánh giá, cùng cơ chế chính sách, điều kiện bảo đảm việc thực hiện. Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở GD&ĐT và sự tham gia của gia đình, cộng đồng cũng như bản thân người học. Đổi mới ở tất các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương. Điều đó không có nghĩa là làm lại tất cả mà phải kế thừa, phát triển những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, phát huy thành tựu và kinh nghiệm tốt đã có, đồng thời bổ sung những quan điểm tư tưởng mới, kiên quyết chấn chỉnh những quan điểm lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố mới. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, phù hợp với từng loại đối tượng, có tầm nhìn dài hạn, có các giải pháp đồng bộ, khả thi, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

 

Một trong những giải pháp để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Là người có mấy chục năm dạy học phổ thông đến sau đại học, tôi nghĩ xây dựng chương trình mới không hoàn toàn thoát ly chương trình cũ nhưng nên theo hướng giảm tải. Lực lượng biên soạn là giáo viên, giảng viên rất đông đảo ở hàng chục trường cao đẳng, đại học và cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có ở trường này. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng GD&ĐT, theo tôi đột phá là việc xiết chặt đầu ra, bằng cách đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử để có được kết quả chính xác, loại trừ tận gốc việc học giả; chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện, phát triển các năng lực cần phải có cho người học, gắn lý thuyết với thực hành thật sát sao, bồi dưỡng phương pháp tự học từ tiểu học trở đi để người học trong bất cứ công đoạn  nào, cấp học, bậc học nào cũng phải là người thực học…

 

Phải có cơ cấu hợp lý giữa các bậc học

Nhà giáo Ưu tú Hồ Xuân Quang, nguyên giảng viên Trường Đại học Giao thông - Vận tải.

 

Những năm gần đây, nhất là năm 2014, số học sinh tốt nghiệp THPT hầu như đỗ vào đại học, số vào cao đẳng, học nghề rất ít. Thậm chí có học sinh học THPT kém mà thi đỗ vào đại học. Vì vậy một số trường cao đẳng không tuyển được học sinh. Chưa nói đến các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề. Năm 2015, ngành GD&ĐT chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp, sau đó xét tuyển, mỗi học sinh được đăng ký 3-4 trường đại học. Học sinh vào học cao đẳng, trung cấp nghề sẽ còn rất ít. Vậy tổ chức phân luồng để có cơ cấu đào tạo hợp lý sẽ thế nào đây?

 

Trong lĩnh vực giao thông hiện nay, sự biến đổi mạnh mẽ về khoa học - công nghệ xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghiệp, vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao. Trong khi đó, với cơ chế quản lý xây dựng hạ tầng hiện tại, hầu hết các dự án, công trình đều thông qua đấu thầu. Các công ty của Trường Đại học Giao thông - Vận tải ít khi thắng thầu hoặc chỉ ký được hợp đồng làm B “phẩy”, thậm chí B “hai phẩy” cho dự án. Vì vậy, sinh viên giao thông không có chỗ thực hành, từ đó dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế. Qua trao đổi với nhiều sinh viên của Trường nay là giám đốc, phó giám đốc các công ty xây dựng, họ đều nhận xét học sinh, sinh viân của Trường đào tạo ra còn yếu về năng lực thực hành…

 

Khắc phục, tiến tới xóa bỏ bệnh thành tích của Ngành

Nhà giáo Bùi Điệp, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh.

 

Ngành GD&ĐT nước ta cần duy trì phong trào thi đua “Hai tốt”: Dạy tốt, học tốt. Đã là trường học thì học gì thi nấy, không lấy thi cử gây áp lực lên người học và lan tỏa áp lực ấy lên xã hội. Cơ bản là quy tìrnh đánh giá phải tạo ra chuẩn thực chất. Muốn vậy thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, xóa bỏ bệnh thành tch, háo danh ở cả người dạy và người học. Nên giao việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học cho các trường và các sở Giáo dục -Đào tạo. Coi đó là một kỳ thi bình thường, không tạo thêm áp lực tuyển sinh và đánh giá kết quả phổ thông trung học lên các trường đại học. Học sinh sau khi tốt nghiệp cần được phân ban để đào tạo theo hướng phát triển sở thích, năng lực; cần tạo dư luận xã hội rộng rãi tôn vinh những người thành đạt khởi nghiệp chỉ với trình độ cấp 3. Tóm lại, ngành GD&ĐT muốn thực hiện có hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện thì phải tự đổi mới trước, rồi hãy nói đến các điều kiện Đảng, Nhà nước, nhân dân đầu tư cho mình.

 

Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa giáo dục đến gần thực tiễn

Nhà giáo Trần Hường, chuyên viên Cao cấp, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên.

 

Qua tiếp xúc với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của một số trường ở T.P Thái Nguyên và một số huyện, đa số các nhà giáo đánh giá: Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa giáo dục đi sát hơn các tầng lớp nhân dân, thực sự đi vào cuộc sống. Việc thay đổi phương pháp dạy và học bước đầu giúp giảm sự giáo điều trong học tập. Học sinh thích thú hơn, nắm bắt bài nhanh hơn qua các buổi học ngoại khóa. Cách đánh giá toàn diện giúp học sinh ham học hơn tất cả các môn, tránh được học tủ, học lệch. Ngoài học trong lớp, học sinh được hoạt động ngoài trời, nâng cao thể chất, thể lực hơn. Đối với người dân, trực tiếp là phụ huynh đã hiểu hơn về tầm quan trọng của giáo dục, họ sẵn sàng đóng góp ủng hộ nhà trường khi nhận thấy việc đầu tư ấy giúp con em mình học tốt hơn. Nhà trường và phụ huynh vì thế có sự phối hợp, gắn bó mật thiết để định hướng học tập cho học sinh.

 

Ngoài những lợi ích nói ở trên, tôi cũng được nghe một số phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Đó là: Một số trường ở các xã miền nơi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu kinh phí để đầu tư thiết bị để dạy bằng phương pháp trình chiếu. Việc áp dụng cho học sinh học ngoại khóa ở những nơi này vì thế cũng gặp khó khăn. Việc xã hội hóa giáo dục tại các trường miền núi còn nhiều bất cập. Từ thuận lợi, khó khăn như trên, tôi đề xuất: Cần mở thêm các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên các xã miền núi, vùng sâu, xa vì họ ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới; ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương nên định mức đầu tư thích hợp, linh hoạt, áp dụng cho từng trường ở các khu vực khác nhau; tại các vùng miền khó khăn của tỉnh cần được đầu tư xây dựng thêm các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú để học sinh xa trường có chỗ ăn, nghỉ; đề nghị sở GD&ĐT chỉ đạo việc kế thừa, phát huy những điểm mạnh của quá trình cải cách, đổi mới các giai đoạn trước đây, kết hợp với tiếp tục uốn nắn thay đổi để phù hợp với tình hình từng huyện, thành, thị và với từng trường học cụ thể.