Đó là 3 ưu điểm nổi bật khi sử dụng kiểm phiếu bằng máy vi tính. Vì vậy, kiểm phiếu theo phương pháp này đã và sẽ được áp dụng ở các đại hội Đảng cấp cơ sở, trên cơ sở và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
Chỉ bằng một cú bấm “chuột”, ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin (Văn phòng Tỉnh ủy) đã có trong tay báo cáo kết quả kiểm phiếu của 9 đại hội điểm cấp cơ sở, 14 đại hội cấp trên cơ sở và Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2010-2015.
Ông Học nhớ lại: Đảng bộ phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) là đơn vị tổ chức đại hội điểm, cũng đồng thời thí điểm việc kiểm phiếu (KP) bằng máy. Với 159 phiếu bầu, 21 đại biểu được bầu vào Ban Chấp hành, thời gian KP mất 44 phút. Các đại hội (ĐH) sau đó, thời gian KP rút ngắn dần. ĐH Đảng bộ Bệnh viện C có 81 phiếu, bầu Banh Chấp hành 15 người, KP hết 7 phút. Ở cấp trên cơ sở, đông nhất là ĐB Đại học Thái Nguyên, có 299 phiếu, bầu 27 người, KP 30 phút; ĐH ĐB tỉnh (bỏ phiếu ngày 21-10-2010) có 348 phiếu, bầu 55 người, KP 40 phút.
Sử dụng phần mềm KP bằng máy đã chấm dứt tình trạng chờ đợi kết quả bầu cử nặng nề, mất nhiều thời gian của đại biểu. Tuy nhiên, ưu điểm lớn hơn là độ chính xác tuyệt đối và minh bạch cao. Bởi tổng số phiếu bầu được kiểm 3 lần trên 3 máy tính độc lập, cho kết quả như nhau mới là kết quả KP của đại hội. Trong quá trình KP, chức năng “Nhật ký nhập phiếu bầu” sẽ ghi lại toàn bộ hoạt động của tổ KP, được in ra lưu cùng hồ sơ đại hội, khi cần thiết có thể kiểm tra được ngay.
Với những ưu điểm vượt trội như vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý cho Văn phòng Tỉnh ủy chuyển giao phần mềm KP cho các huyện, thành, thị. Kết quả là, các tổ công tác ở cấp huyện đã KP thành công cho 171 ĐB xã, phường, thị trấn còn lại.
9 chức năng của phần mềm KP: Nhập danh sách ứng cử viên; nhập thông tin chung; nhập Ban kiểm phiếu; kiểm phiếu bầu cho các ứng cử viên; sửa phiếu bầu nhập sai; in nhật ký nhập phiếu bầu; in kết quả kiểm phiếu; in danh sách trúng cử; in biên bản kiểm phiếu. |
“Tiếng lành đồn xa”, các Tỉnh ủy Phú Thọ, Tuyên Quang, Hưng Yên, Bắc Giang đã đề nghị được dùng phần mềm này vào các đại hội của họ. Trao đổi qua điện thoại, ông Đinh Tiến Hồng, Trưởng phòng Cơ yếu - Công nghệ thông tin Tỉnh ủy Phú Thọ cho tôi biết: Ưu điểm lớn nhất của phần mềm do Thái Nguyên viết là cho phép kiểm đi kiểm lại, độ chính xác tuyệt đối. Tỉnh Phú Thọ đã chuyển giao công nghệ, áp dụng KP tại 210 đại hội chi, đảng bộ cấp cơ sở và sẽ áp dụng ở 100% đại hội cấp trên cơ sở, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ này.
Chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn 04-HD/BTCTW, trong đó mẫu biên bản bầu cử có một số thay đổi so với trước. Từ đó, các cán bộ của Trung tâm Công nghệ Thông tin đã sửa phần mềm theo đúng quy định của TW. Đầu năm 2015, các huyện ủy đã thành lập tổ nhân viên kỹ thuật phục vụ kiểm phiếu gồm 4 người (cán bộ văn phòng và Ban Tổ chức), được Văn phòng Tỉnh ủy hướng dẫn sử dụng phần mềm đã chỉnh sửa. Tháng 3-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Tổ nhân viên kỹ thuật kiểm phiếu bằng máy tính gồm 7 người, có nhiệm vụ “phối hợp với Ban KP của đại hội, thực hiện KP đảm bảo yêu cầu, nội dung và tiến độ của đại hội”. Văn bản này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với Điều 7, Quyết định 224-QĐ/TW của Ban Tổ chức TW về việc Ban hành quy chế bầu cử trong Đảng: “Nếu kiểm phiếu bằng máy vi tính, ban kiểm phiếu được sử dụng một số nhân viên kỹ thuật không phải là đại biểu đại hội”.
Trong tháng 7,8 năm nay, Tổ nhân viên kỹ thuật của Tỉnh ủy sẽ phục vụ KP tại đại hội các đảng bộ: Công an tỉnh, Khối Các cơ quan; Khối Doanh nghiệp, Công ty cổ phần Gang thép, Bệnh viện Đa khoa TW. Tháng 10-2015, phần mềm KP bằng máy tính sẽ được sử dụng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.