Nơi ghi dấu bước trưởng thành của Công an nhân dân Việt Nam

07:53, 26/07/2015

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2015), chúng tôi tìm về thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi ghi dấu lịch sử phát triển của Công an nhân dân Việt Nam những năm cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

* Tình cảm gắn bó keo sơn giữa cán bộ và người dân

 

Nha Công an Trung ương, cơ quan tiền thân của Bộ Công an ngày nay có trụ sở đóng tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, từ năm 1947 đến năm 1950. Đây là nơi đóng quân lâu nhất của Nha Công an Trung ương trong kháng chiến chống Pháp; đã chứng kiến những bước trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân việt Nam .

 

Đưa chúng tôi đi thăm khu di tích Nha công an Trung ương đã được phục dựng theo nguyên mẫu, Thượng sĩ Phạm Thị Ngọc Hoa, Đội Hướng dẫn tuyên truyền, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thực hiện lời kêu gọi cả nước kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1947, Nha Công an Trung ương chuyển từ Phú Thọ đến thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh. Tại đây, những cán bộ chiến sĩ của Nha Công an Trung ương đã hoàn thành suất sắc các nhiệm vụ: Chỉ đạo Công an cả nước xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, tiễu phỉ, trừ gian, kiểm soát nội bộ, thực hiện các chính sách dân tộc và tôn giáo, xây dựng giao thông liên lạc, chống hoạt động do thám của địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, cán bộ, ban, ngành tại khu căn cứ địa cách mạng Tân Trào...

 

Thượng sĩ Hoa cũng cho biết thêm, toàn bộ nhà làm việc của cán bộ Nha Công an Trung ương được phân bố trên hai quả đồi lớn, thường được gọi là đồi A và B. Hai quả đồi này nằm liền nhau và sát cánh đồng Lũng Cò. Từ đây, có thể quan sát được cả một vùng rừng núi, xóm làng rộng lớn, rất thuận tiện cho việc đi lại, hội họp. Phía sau quả đồi có núi Đền bao bọc, địa thế kín đáo, hiểm yếu. Lúc đầu vì chưa có nơi ở nên toàn bộ cán bộ chiến sĩ ở nhờ nhà dân. Sau đó, được sự giúp đỡ của người dân địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn Đội Xây dựng thuộc Văn phòng Nha công an Trung ương đã xây dựng được hơn chục mái nhà bằng tre, nứa, lá cọ để cán bộ chiến sĩ vừa ở vừa làm việc…

 

Những năm Nha Công an đóng trụ sở tại Minh Thanh là những năm cán bộ, chiến sĩ đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân địa phương và đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm sâu đậm, gắn bó keo sơn giữa cán bộ và người dân Minh Thanh.

 

Mặc dù năm nay đã 80 tuổi, nhưng ông Hà Ngọc Hội, xã Minh Thanh vẫn nhớ như in những ngày Nha Công an đóng trụ sở tại Minh Thanh. Ông chia sẻ: Lúc ấy dân cư trong xã rất thưa thớt, rừng cây rậm rạp, đường xá đi lại rất khó khăn. Để tạo điều kiện cho cán bộ làm việc, người dân trong xã đã góp gỗ, lá cọ giúp cán bộ dựng lán; và cung cấp các nhu yếu phẩm hàng ngày cho cán bộ…Thời gian Nha Công an đóng tại xã không lâu nhưng tình cảm của cán bộ chiến sĩ với người dân địa phương vô cùng sâu sắc. Cán bộ và người dân coi nhau như anh em trong nhà, ngoài giờ làm việc những cán bộ, chiến sĩ trong Nha Công an còn đến nhà người dân thăm hỏi người già, tuyên truyền, vận động người dân “bảo mật phòng gian”, mở các lớp bình dân học vụ cho người dân trong xã, giao lưu văn nghệ với người dân, tuyên truyền người dân ăn, ở vệ sinh, bỏ các tập tục lạc hậu…Bên cạnh đó, người dân trong xã cũng thực hiện đúng phương châm “Không hay, không biết, không nghe, không thấy” để đảm bảo an toàn bí mật cho khu vực làm việc của Nha Công an được an toàn…

 

Dưới sự che chở và đùm bọc của người dân trong xã, trụ sở làm việc của Nha Công an luôn được đảm bảo an toàn. Năm 1950, Nha Công an chuyển đi nhưng tình cảm tốt đẹp của cán bộ và người dân địa phương vẫn còn giữ mãi đến ngày nay.

 

Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, nên ngoài việc tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử theo nguyên mẫu, hiện nay, Nha Công an đã được, nâng cấp, xây mới thêm các công trình: Quần thể tượng đài “Vì an ninh tổ quốc”; nhà trưng bày truyền thống Công an nhân dân…đưa khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương trở thành khu du lịch, lịch sử, văn hóa, sinh thái và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 

* Vững bước đi lên

 

Về Minh Thanh hôm nay, sự thay đổi nhìn rõ, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, hệ thống trường lớp học được xây dựng khang trang khiến chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay trên vùng quê cách mạng này.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hứa - Chủ tịch UBND xã Minh Thanh cho biết: Minh Thanh có 1.442 hộ, với trên 5.600 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân ở Minh Thanh đã được nâng lên. Hiện nay, xã đã hoàn thành 7/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,35% (năm 2013) xuống còn 16% hiện nay; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm; toàn xã đã làm được 27 km đường bê tông nông thôn... Hiện, trên địa bàn xã đã có hàng chục mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm, tiêu biểu như mô hình nuôi lợn của gia đình ông Ma Văn Quang, thôn Cầu; mô hình của gia đình ông Nguyễn Ngọc Văn, thôn Lê; mô hình phát triển kinh tế VAC của gia đình ông Nghiêm Văn Tuyên, thôn Tân Thành…

 

Chia sẻ về cách làm của địa phương để đạt được những kết quả này, ông Hứa cho biết thêm, xã luôn xác định, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nền tảng quan trọng góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, trong những năm qua, xã đã tuyên truyền vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu và điều kiện tại địa phương; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế …vận động người dân địa phương đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, để có thu nhập ổn định, giảm tình trạng thất nghiệp…

 

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, ban, ngành đã hỗ trợ Minh Thanh xây dựng hạ tầng cơ sở ngày càng khang trang hơn như: Bộ Công an đầu tư kinh phí 4 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng Trường THCS 19 - 8; Xổ số Kiến Thiết Việt Nam đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây mới Trạm Y tế xã để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong xã…

 

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao, nhiều hộ gia đình vẫn phải sống trong cảnh nhà tạm…là hai trong số nhiều trăn trở của Minh Thanh, ông Hứa chia sẻ thêm. Vì vậy, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa tập chung nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư từ các bộ, ban, ngành có trụ sở đóng tại Minh Thanh năm xưa để xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, giảm nghèo bền vững… Đồng thời, tiếp tục thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông nông thôn mới theo phương châm tiêu chí dễ thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau… Phấn đấu cuối năm 2015, xã đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 

Với truyền thống cách mạng lâu đời, tinh thần cần cù, sáng tạo, người dân ở Minh Thanh đã và đang từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng quê còn nhiều khó khăn trước đây. Các khu di tích lịch sử trên địa bàn xã sẽ là địa điểm ý nghĩa trong những hành trình về nguồn của người dân cả nước, tạo thêm động lực cho Minh Thanh phát triển…/.