Tăng cường lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương

17:17, 28/07/2015

Thực hiện nguyên tắc “Đảng lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt…”, những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác quốc phòng - quân sự địa phương (QP-QSĐP). Trong đó, tập trung lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững khu vực phòng thủ của tỉnh.

Để khẳng định vai trò của lý luận đối với thực tiễn, những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của các cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác QP-QSĐP của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố; kinh tế của địa phương từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Để đạt được những thành công đó, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Tỉnh ủy Thái Nguyên, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tập trung vào một số giải pháp lãnh đạo cụ thể:

 

Thứ nhất: Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, địa phương đối với công tác QP-QSĐP. Theo đó, các thành viên trong cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, địa phương phải là những người nắm vững và quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về công tác quân sự - quốc phòng (QS-QP), nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên cũng như yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương. Thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nâng cao ý thức trách nhiệm trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác QP-QSĐP. Phải củng cố nhận thức về những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc XHCN; về hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các quan điểm tư tưởng quân sự của Đảng, kết hợp quốc phòng - an ninh (QP-AN) với kinh tế, kinh tế với QP-AN; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Công tác giáo dục QP-AN phải thực tế và hiệu quả, sau các đợt tập huấn về lý luận và học tập chuyên đề; các thành viên trong cấp ủy và cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, địa phương đều được tham gia các đợt diễn tập theo phân cấp, ở từng địa phương, từng đơn vị huấn luyện, trên cơ sở thực tiễn diễn tập sẽ thuần thục phương pháp chỉ huy, chỉ đạo, nắm bắt và xử lý các tình huống trong nhiệm vụ QP-QSĐP.

 

Thứ hai: Cấp ủy địa phương là nhân tố trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác QP-QSĐP. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với công tác QP-QSĐP phải được thể hiện ở năng lực quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của đảng ủy cấp trên về nhiệm vụ QS-QP, nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là nhiệm vụ QP-QSĐP. Đó còn là năng lực lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ QP-QSĐP. Để duy trì sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác QP-QSĐP, cần thường xuyên bổ sung, kiện toàn đội ngũ cấp ủy, ban chấp hành đảng bộ các cấp bảo đảm đủ số lượng, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý.

 

Thứ ba: Xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh về mọi mặt, đủ năng lực, trình độ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác QP-QSĐP. Để cơ quan quân sự thực sự làm tốt vai trò tham mưu, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự địa phương vững mạnh về mọi mặt. Do vậy phải thường xuyên kiện toàn cơ quan quân sự địa phương đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng theo yêu cầu biên chế. Đi đôi với kiện toàn về tổ chức cần coi trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ quân sự địa phương. Xây dựng cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương có phương pháp, tác phong công tác, chế độ quy định phù hợp với vai trò, chức năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy cơ quan quân sự và các đơn vị bộ đội địa phương hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Xây dựng đảng ủy quân sự địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, là hạt nhân lãnh đạo của đảng bộ quân sự địa phương.

 

Thời gian qua, về cơ bản các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt những quy định về cơ chế, chính sách và luật pháp trong triển khai công tác QP-QSĐP, như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của tỉnh giai đoạn 2010-2015... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện về cơ chế lãnh đạo cũng như việc tổ chức thực hiện. Trong đó, vai trò của cấp ủy địa phương cần được xác định rõ hơn nữa, làm cơ sở cho công tác lãnh đạo, phân công, phân nhiệm khi có tình huống. Xác định rõ và cụ thể hóa chức trách của các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy trong hội đồng nghĩa vụ quân sự, ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”…

 

Đảng lãnh đạo Quân đội bằng đường lối chính trị, quân sự, thông qua tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với LLVT, đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trước hết vấn đề cốt lõi là Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng bộ Quân sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là các tổ chức cơ sở đảng trong LLVT; đẩy mạnh giáo dục chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối QS-QP trong tình hình mới.