Để việc quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng không trở thành hình thức

15:23, 21/08/2015

Là cán bộ giảng dạy các môn Giáo dục Chính trị của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi xin có một số ý kiến đóng góp về công tác học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết của Đảng chính là sự kết tinh trí tuệ, là “ánh sáng soi đường” có ý nghĩa định hướng và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vì vậy, việc học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng là một nội dung có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

 

Nghị quyết của Đảng phải đi “đúng” và “trúng” thực tiễn, thực sự đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thì mới có thể khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân. Tuy nhiên, khi đã có được nghị quyết sát, đúng rồi nhưng “làm thế nào để đưa được nghị quyết của Đảng vào cuộc sống?” chính là một vấn đề quan trọng đang đặt ra đối với các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung hiện nay. Có thể khẳng định, ban hành được Nghị quyết của Đảng đã là một vấn đề khó thì việc đưa được nghị quyết vào cuộc sống lại càng khó hơn. Do vậy, đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải luôn sáng tạo không ngừng trong công tác học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

 

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, có thể thấy công tác học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên địa bàn tỉnh có sự đổi mới. Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã từng bước đi vào cuộc sống; tạo sự thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Có được kết quả ấy là do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát huy tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện các hoạt động triển khai nghị quyết. Trong đó phải nói đến chất lượng của đội ngũ báo cáo viên các cấp từ tỉnh cho đến các cơ sở ngày càng được nâng cao. Đội ngũ báo cáo viên thường xuyên được tập huấn, dự các Hội nghị chuyên đề và được cung cấp các tài liệu liên quan, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng tuyên truyền.

 

Việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của các cấp ủy Đảng trong tỉnh cũng đã đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Thông qua các đợt học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là về chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã có sự đổi mới, chuyển biến tích cực trong công tác này. Việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết thực sự cuốn hút và có tác dụng sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua việc học tập nghị quyết của Đảng, đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã trưởng thành về mọi mặt, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, làm cho nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế như: Một số nơi việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết chưa thực sự khoa học, hình thức tổ chức chưa phong phú dẫn đến hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát sau khi thực hiện học tập, quán triệt nghị quyết chưa thường xuyên; thời gian dành cho việc học tập, triển khai nghị quyết ở một số cấp ủy Đảng còn ít, chưa có nhiều hoạt động trao đổi, thảo luận của cán bộ, đảng viên; chất lượng học tập, triển khai nghị quyết ở cấp chi bộ ở một số nơi chất lượng chưa đồng đều…

 

Theo tôi, để nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng, trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết Đảng một cách cụ thể, sát thực, phù hợp hơn đối với từng đối tượng, địa phương, đơn vị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công việc này. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng đối với việc học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết, tránh tình trạng “hình thức”, “làm cho xong”, cần xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác của Đảng. Một vấn đề quan trọng nữa là cần tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên các cấp, để mỗi báo cáo viên phải thực sự là những cá nhân có trình độ chuyên môn, có nhận thức, bản lĩnh chính trị, am hiểu sâu sắc về các vấn đề xã hội... Các cấp ủy Đảng cần tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ này hoạt động (như tham gia tập huấn, cung cấp tài liệu, có chế độ bồi dưỡng hợp lý…). Song song với đó, việc đổi mới hình thức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết cho phù hợp với từng đối tượng cũng hết sức cần thiết. Bên cạnh những hình thức truyền thống, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần tìm ra những hình thức học tập, quán triệt, triển khai mới như lồng ghép vào các hoạt động (sân khấu hóa, các cuộc thi…).

 

Để tránh tình trạng hình thức, chiếu lệ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của các cấp ủy Đảng. Quá trình đánh giá, viết thu hoạch của cán bộ, đảng viên sau khi được học tập nghị quyết cũng phải thật sự khoa học, tránh tình trạng viết theo đề cương cho sẵn để rồi có những sản phẩm “tương đối” giống nhau. Cần phát huy trách nhiệm, trí tuệ của cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu và thực hiện nghị quyết trong thực tiễn cuộc sống; quan tâm nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của các chi bộ...