Làng quê của những lão thành cách mạng

17:07, 21/08/2015

Làng Cả chỉ là một làng quê nhỏ bé như bao làng quê khác của Phú Bình, nhưng trước Cách mạng Tháng Tám làng quê bé ấy lại sinh ra nhiều người con ưu tú không sợ hy sinh gian khổ theo Đảng làm cách mạng. Những người con đã góp phần làm nên mùa Thu Tháng Tám sáng ngời.

Qua huyện lỵ Phú Bình, xuôi Quốc lộ 37 đến dốc Công an huyện là tới đầu làng. Làng Cả xưa vẫn là 3 xóm mà nay gọi là tổ dân phố Đông, tổ dân phố Tây và tổ dân phố Giữa thuộc thị trấn Hương Sơn. Ngày xưa dân thưa thớt với mấy chục nóc nhà, đầu xóm Đông là rừng rậm, cuối xóm Tây là đồi núi nối với các khu rừng rậm của xóm Mai Sơn. Làng Cả ngày ấy chỉ có một con đường liên xã từ Phương Độ, Xuân La, qua làng để đi Chợ Đồn gọi là đường Cái Tây mở từ thời thuộc Pháp. Thời đó, làng Cả nằm kề với ATK 2 là Kha Sơn Thượng, Kha Sơn Hạ nên rất thuận lợi cho việc lui tới xây dựng cơ sở cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ. Những năm 1942-1943, khi đồng chí Trần Độ và Hà Thị Quế, cán bộ của Đảng về hoạt động tại làng Cả thì trong làng đã có tới bẩy thanh niên được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Đó là các ông: Dương Anh Đệ, Dương Văn Tuyết, Dương Văn Thơ, Dương Văn Nhàn, Đào Quang Luông và Bà Nguyễn Thị Vân.

 

Những lần Pháp - Nhật và bọn tay sai phản động lùng sục, truy bắt gắt gao thì nhiều gia đình trong làng đã nuôi giấu, bảo vệ hai cán bộ của Đảng và tổ chức Thanh niên Cứu quốc lúc đó. Ngày 30-3-1945, thực hiện Chỉ thị của Đảng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” tại đình làng Cả, tổ chức Thanh niên Cứu quốc của làng đã đứng lên thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng và làng Cả trở thành nơi đầu tiên của xã La Đình thành lập được chính quyền cách mạng. Để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Đội Tự vệ chiến đấu của làng được thành lập do ông Dương Văn Bàn làm đội trưởng. Chính đội tự vệ chiến đấu của làng đã phối hợp với đội tự vệ của huyện ngày 2- 8- 1945 đập tan cuộc tiến công của giặc Nhật vào làng, tiêu diệt 1 lính Nhật, làm cho chúng phải tháo chạy, bảo vệ an toàn chính quyền cách mạng.

 

Với khí thế trào dâng của cách mạng, ngày 26-6-1945, nhân dân và đội tự vệ của làng Cả đã cùng với các địa phương khác kéo về phá kho thóc của giặc Nhật tại cầu Mây chia cho dân nghèo. Ngày 23-8-1945, nhân dân và tự vệ chiến đấu của làng đã kéo về uy hiếp quân đội Nhật đóng tại Phương Độ và đồn chợ Cầu, buộc toàn bộ lính khố xanh và huyện trưởng Đặng Đình Tám phải ra hàng quân cách mạng. Ngày 23-8-1945, Phú Bình được giải phóng, chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.

 

Với cống hiến đó, khi Đảng ta chủ trương xét công nhận cán bộ hoạt động trước 31-12-1944 danh hiệu: Lão thành Cách mạng thì ngay đợt đầu tiên làng Cả đã có tới 6/7 người con ưu tú trong Đội Thanh niên Cứu quốc được công nhận là Lão thành Cách mạng. Đó là các ông: Dương Anh Đệ, Dương Văn Thơ, Dương Văn Bàn, Dương Văn Tuyết, Dương Văn Nhàn và bà Nguyễn Thị Vân. Và cũng thật tự hào trong số 5 đảng viên đầu tiên của xã Hương Sơn năm 1946 thì làng Cả có tới 4 gồm các ông: Dương Anh Đệ, Dương Văn Tuyết, Đào Quang Luông và Dương Văn Thơ. Ông Dương Anh Đệ được bầu làm Bí thư đầu tiên của Chi bộ xã Hương Sơn khi đó. Cùng với việc công nhận sáu Lão thành Cách mạng, làng Cả còn được Thủ tướng Chính phủ công nhận và tặng Bằng có công với nước cho ba ông, bà là: Dương Văn Chí, Dương Thị Ý và Phạm Thị Thùng. Các Lão thành Cách mạng của làng sau này đều thoát ly công tác và giữ trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Làng Cả trở thành làng quê có số lượng Lão thành cách mạng và gia đình có công với nước nhiều nhất huyện Phú Bình.

 

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, hàng trăm người con của Làng đã cầm súng ra trận, 15 người đã hy sinh trên chiến trường. Rất nhiều con em của làng trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.

 

Làng Cả hôm nay đã khác xưa nhiều lắm, cả Làng có hơn 300 hộ dân thì 100% nhà dân đã ngói hóa và cao tầng. Nhiều ngõ, xóm, đường làng đã được bê tông. 90% gia đình có người thoát ly công tác và đi làm tại các doanh nghiệp. Số hộ có kinh tế khá trở lên chiếm 80%. Tâm sự với Tổ trưởng Tổ dân phố Tây và Bí thư Chi bộ Giữa, các ông đều có chung một nhận xét: Người dân nơi đây rất cần cù, chịu khó. Hàng trăm con em thoát ly đều thành đạt, nhiều người trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Dân làng đoàn kết chung sức xây dựng khu dân cư văn hóa. Nhiều phong trào trở thành điển hình của thị trấn và của huyện. Trong những ngày này, khí thế mùa Thu cách mạng lại ùa về, nhân dân rất phấn khởi trước tin vui tới đây con đường nối giữa khu công nghiệp Yên Bình với Quốc lộ 37 tại nút giao thông đầu làng Cả sẽ được khởi công. Và đầu tháng Tám này, khi cả huyện Phú Bình đang nô nức chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm giành chính quyền thì cụm di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa - Đền làng Cả đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh.