Một trong những mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra là tích cực đổi mới căn bản, toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo, xứng với vai trò đại học vùng và chủ động hội nhập quốc tế. Tại Đại hội, những ý kiến tâm huyết được đại biểu là những nhà khoa học, nhà giáo, những đảng viên trẻ chia sẻ và gửi gắm niềm tin tới Đại hội.
Hội nhập quốc tế từ các chương trình đào tạo tiên tiến
PGS,TS Nguyễn Thế Hùng, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên |
Với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, xây dựng và triển khai chương trình tiên tiến (CTTT) là một định hướng đúng đắn để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, thì rất cần sự chuyển biến nhận thức trong định hướng, chiến lược đào tạo. Không tự đổi mới, không hội nhập quốc tế chắc chắn sẽ tụt hậu. Nhưng để bắt nhịp kịp với xu thế thì lại cần sự nỗ lực đổi mới của mỗi cá nhân, đáp ứng tất cả các yêu cầu phù hợp chuẩn quốc tế. Từ thực tế vận hành CTTT, chúng tôi nhận thấy, cần có sự đồng thuận cao trong công tác lãnh đạo của Đảng để huy động các nguồn lực đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo CTTT cũng cần được quan tâm hỗ trợ hơn nữa các chính sách khuyến khích từ trong ngành cũng như của Nhà nước để người học thực sự an tâm có được môi trường học tập, nghiên cứu và làm việc chuẩn quốc tế.
Đổi mới hoạt động đào tạo sư phạm
PGS,TS Mai Xuân Trường, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên |
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền và việc tham gia của cán bộ, giảng viên và bản thân người học. Là môi trường đào tạo sư phạm, chúng tôi nhận thấy rõ vai trò, trách nhiệm đi đầu trong hoạt động đổi mới. Chính vì vậy, trong quá trình đổi mới cần có tính kế thừa, đảm bảo tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Đối với giáo dục đại học và sau đại học cần chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, nhanh chóng tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới.
Tăng cường học đi đôi với thực hành
TS Nguyễn Văn Tảo, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông |
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH CNTT&TT), ĐH Thái Nguyên có 17 ngành thuộc nhóm các ngành kỹ thuật - công nghệ mũi nhọn, tiên tiến trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong những năm qua, Đảng bộ Trường luôn đổi mới phương pháp đào tạo, gắn bó chặt chẽ giữa việc học tập với thực hành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu thực tế của xã hội. Song với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục, chúng tôi thấy: Đối với các ngành đào tạo kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, vai trò của việc học đi đôi với thực hành càng trở nên cấp thiết, gắn liền với việc đảm bảo chất lượng đào tạo hơn bao giờ hết. Để thực hiện được đồng bộ mục tiêu này, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư môi trường thực hành trong quy trình đào tạo, trong đó chú trọng đầu tư thực hành công nghệ và ứng dụng công nghệ tiên tiến để người học không chỉ là sản phẩm lý thuyết mà phải trở thành sản phẩm “học gì làm đấy, học như thế nào làm như thế đấy” đúng với những công bố chất lượng đầu ra.
Cần có chiến lược phân luồng đào tạo giữa nghiên cứu và thực hành
PGS, TS Trần Đức Quý, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên |
Trước những yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo để hội nhập quốc tế, vấn đề quy hoạch, phân luồng đào tạo là rất cần thiết và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của ngành. Thực tế những năm qua, chúng ta đã và đang thực hiện công việc này theo lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực của các vùng miền. Tuy nhiên, để công tác đào tạo đạt hiệu quả tốt hơn, thì cần có những chính sách mang tính đột phá. Trong quy trình đào tạo cần đẩy mạnh việc phân luồng để đào tạo nguồn nhân lực có tính chuyên sâu hơn. Đó là phân luồng ngay từ tuyển sinh để đào tạo nhân lực làm nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu, thành các chuyên gia, nhà khoa học, học giả... song song với đó là phân luồng đao tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhóm khoa học thực hành, phục vụ trực tiếp nhu cầu đời sống xã hội. Như vậy chúng ta sẽ có những kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học chất lượng cao và chuyên sâu.
Mở rộng mô hình viện nghiên cứu trong trường đại học
PGS, TS Trần Văn Phùng, Viện Khoa học sự sống |
Để thực hiện tốt sứ mạng một đại học vùng hoặc một trường đại học không thể không có các hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, việc xây dựng các viện nghiên cứu theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một chủ trương gắn liền với thực tiễn và bền vững. Với chức năng và nhiệm vụ là nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ của khu vực và cả nước, hoạt động thu hút các nhà khoa học đến tham gia các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đã và đang trở thành môi trường đào tạo gắn với thực hành và liên kết đào tạo hiệu quả… Việc mở rộng đầu tư mô hình viện nghiên cứu chuyên sâu để xây dựng các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ và tham gia đấu thầu những nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp trung ương và địa phương đang khẳng định những giá trị sản phẩm nghiên cứu khoa học và thương hiệu của trường đại học. Chính vì vậy, mô hình viện nghiên cứu còn là môi trường hoạt động đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học của các giảng viên thông qua các chế tài quản lý.
Vào Đảng phải xuất phát từ động cơ đúng đắn
Học viên cao học K47 Phạm Đức Hiệp, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên |
Được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong trường đại học là ước mơ của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, một số bạn trẻ lại có động cơ không trong sáng, phấn đấu vào Đảng để có tấm bình phong tiến thân. Những người "lọt lưới" đó khi gặp cám dỗ dễ sa ngã. Trong môi trường đại học, nếu chỉ học tập tốt không thôi thì chưa thể đủ điều kiện được đứng trong hàng ngũ của Đảng mà phải có tinh thần, thái độ và động cơ đúng đắn, đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết. Mặc dù, hiện nay tuổi đời của đảng viên tại các tổ chức cơ sở đảng vẫn còn cao, trong khi tuổi trẻ luôn sẵn sàng là nguồn dự bị tin cậy cho Đảng. Nhưng nếu thanh niên không qua rèn luyện, thử thách và cống hiến cũng như kiểm chứng thái độ, động cơ phấn đấu thì rất dễ để chủ nghĩa cơ hội, động cơ thiếu trong sáng “lọt” vào hàng ngũ của Đảng. Từ những suy nghĩ đó, tôi tin tưởng rằng công tác phát triển đảng viên trong sinh viên thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng đến chất lượng và tạo thêm nhiều môi trường cho sinh viên rèn luyện, phấn đấu, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.