Phát huy lợi thế, tự tin vững bước đi lên

16:21, 21/08/2015

Phú Bình là huyện trung du miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh. Trong thời kỳ kháng chiến, người dân Phú Bình đã dũng cảm, kiên cường chống lại sự áp bức, bóc lột của giặc ngoại xâm. Hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống, ra sức thi đua lao động sản xuất để vùng quê cách mạng năm xưa vững bước đi lên trên con đường đổi mới.

Tự hào truyền thống vẻ vang

 

Vào thế kỷ thứ XI, dưới sự chỉ huy của Thái úy Quốc công Lý Thường Kiệt, nhân dân Phú Bình đã sát cánh cùng đồng bào cả nước chặn đứng 30 vạn quân Tống trên phòng tuyến Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) và tham gia các cuộc khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến... chỉ huy. Đến những năm đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng ở Phú Bình phát triển ngày càng mạnh mẽ, tại xã Kha Sơn đã hình thành một nhóm thanh niên yêu nước hoạt động với nhiều nội dung phương pháp đấu tranh hiệu quả.

 

Đầu năm 1943, Trung ương quyết định xây dựng An toàn khu II gồm 2 xã của tỉnh Thái Nguyên và 1 xã của tỉnh Bắc Giang, trong đó có xã Kha Sơn (Phú Bình). Đây được coi là những cơ sở tương đối an toàn để các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ ở, làm việc và tổ chức các cuộc họp chính trị quan trọng. Cũng từ đó, tại xã Kha Sơn đã ghi dấu nhiều sự kiện chính trị của Đảng. Cuối năm 1943, đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đã mở lớp đào tạo 13 cán bộ quân sự cho các tỉnh phía Bắc, các tài liệu tuyên truyền của Trung ương như báo “Cờ giải phóng”, các cuốn sách về chiến tranh du kích cũng được phát hành tại đây… Cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Phú Bình đã bảo vệ an toàn hàng trăm lượt cán bộ lên căn cứ, về đồng bằng, trong đó, có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như: đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ...

 

Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang.

 

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, phong trào cách mạng ở Phú Bình phát triển rất nhanh chóng. Tháng 7-1943, tại một địa điểm bí mật trong rừng Giác (Kha Sơn Hạ), 3 đồng chí Nguyễn Bình Sơn, Nguyễn Văn Nội, Nguyễn Văn Thiên của huyện Phú Bình đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và chi bộ đảng đầu tiên của huyện đã được thành lập. Tháng 3-1945, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đến Kha Sơn, lực lượng tự vệ, nhân dân trong xã đã chiến đấu dũng cảm, nhanh chóng đánh tan quân thù và thành lập chính quyền cách mạng. Khởi nghĩa thành công ở Kha Sơn được coi như tiếng súng đầu tiên báo hiệu cho thời khắc giành chính quyền ở Phú Bình đã đến. Tháng 7-1945, Phú Bình thành lập Đảng bộ huyện với 2 chi bộ, gồm 20 đảng viên. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến mới của phong trào cách mạng trong huyện. Ngày 20-8-1945, lực lượng cách mạng và đông đảo nhân dân trong huyện đã tiến hành bao vây, uy hiếp quân địch tại huyện lỵ Phú Bình. Đến ngày 23-8-1945, huyện trưởng Nguyễn Đặng Tám đưa toàn bộ lính khố xanh, lính cơ cùng vũ khí, hồ sơ, sổ sách ra hàng quân cách mạng. Ngay hôm đó đã diễn ra một cuộc mít tinh ra mắt Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện và ngày 23/8/1945 đã đi vào lịch sử của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình.

 

Năm 2015, toàn huyện có thêm 5 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Trong ảnh: Sản xuất tương tại Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ.

 

Trong 2 cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Phú Bình đã động viên gần 12.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trên 72.000 lượt dân công hỏa tuyến chi viện cho các chiến trường. Trong đó, có 1.456 người con thân yêu của Phú Bình đã anh dũng hi sinh, hơn 600 người đã để một phần xương máu ngoài mặt trận…

 

Cuộc sống mới hôm nay

 

Trong những năm hòa bình, xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Bình đã vận dụng sáng tạo các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, từng bước khơi dậy tiềm năng lợi thế của huyện, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – thương mại và dịch vụ, dần đưa Phú Bình thoát khỏi thế thuần nông và có bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 15,7%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2015 là: Công nghiệp - xây dựng chiếm 37,3%; dịch vụ 32%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 20,1%/năm; tổng sản lượng lương thực cây có hạt bình quân hàng năm đạt trên 75.000 tấn. Đặc biệt, sản phẩm lúa nếp Thầu Dầu được cấp nhãn hiệu bảo hộ tập thể năm 2012 và sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” được cấp chứng nhận nhãn hiệu năm 2014 đã tạo cơ hội thúc đẩy ngành chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng đạt kết quả tích cực; sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, hiện tại huyện có 2 khu công nghiệp tập trung, 4 cụm công nghiệp và 10 làng nghề truyền thống. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả, đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã phấn đấu “về đích” vào năm 2015.

 

Nông dân trong huyện tích cực tham gia các mô hình đưa những giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Trong ảnh: Thu hoạch lúa lai giống TH3-5 tại xã Nhã Lộng.

 

Văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ, sự nghiệp giáo dục đào tạo ngày càng phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện có hiệu quả. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp, các chính sách xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của huyện được thực hiện đồng bộ. Toàn huyện hiện có 56 chi, đảng bộ trực thuộc với 6.512 đảng viên. Công tác tư tưởng tiếp tục được tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng và có hiệu quả trên cả 3 lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc... Đặc  biệt, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Bình đã chỉ đạo thành công Đại hội các chi, đảng bộ cấp cơ sở và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI.

 

 

Hoạt động của HĐND các cấp từ huyện đến cơ sở tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng, công tác điều hành, quản lý của UBND được tăng cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội của huyện hoạt động tích cực, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Số lượng đoàn viên, hội viên tại các tổ chức hội, đoàn thể ngày càng được nâng lên…

 

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, từ vùng quê nghèo nàn, lạc hậu, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, nhưng với sự cần cù, năng động, sáng tạo, huyện Phú Bình đã có những bước đột phá để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa Phú Bình vững bước đi lên, xứng đáng với truyền thống của mảnh đất Anh hùng.