Nhằm phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của địa phương, khơi dậy niềm tự hào, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Huyện ủy Định Hóa đã chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục truyền thống. Việc thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng” đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa tự hào về những đóng góp to lớn của địa phương trong các thời kỳ cách mạng của dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Định Hóa là trung tâm ATK - Thủ đô kháng chiến. Nhân dân trên địa bàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng là che chở, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương. Trên địa bàn huyện hiện có 128 điểm di tích lịch sử được lập hồ sơ quản lý, trong đó có 16 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh; cả 24 xã, thị trấn đều được công nhận là xã ATK, 17 địa phương được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Trần Phúc Vĩnh, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hoá cho rằng: Truyền thống ấy là tài sản vô giá của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, khi được giáo dục và thấm nhuần sẽ trở thành động lực để cán bộ và nhân dân trên địa bàn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đó cũng là mục tiêu quan trọng được đề ra trong Đề án số 03-ĐA/HU ngày 30-9-2011 của Huyện ủy Định Hóa (khóa XXII) về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Định Hóa”.
Các mục tiêu cụ thể của Đề án nói trên (gồm đẩy mạnh công tác sưu tầm, tập hợp các tư liệu lịch sử; biên soạn các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống) được các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, cơ quan và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thông qua nhiều hình thức. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đều tham mưu, chỉ đạo, phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, giáo viên làm công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. 100% các trường phổ thông trên địa bàn đều đưa nội dung giáo dục truyền thống địa phương vào giảng dạy, thông qua các giờ học chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Thầy giáo Trần Văn Thái, giáo viên môn Lịch sử của Trường THPT Định Hóa chia sẻ: Trong các tiết học, nhất là khi giảng về giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi thường xuyên liên hệ với lịch sử địa phương. Khi nhắc đến các địa danh quan trọng gắn với thời kỳ lịch sử này (như: Lán Tỉn Keo, đồi Khau Tý, xóm Phụng Hiển, xóm Làng Quặng, Bảo Biên, suối Khuôn Tát, đồi Phong Tướng…), học sinh đều rất chăm chú lắng nghe vì những nơi đó nằm ngay trên huyện, trên xã nhà. Vì thế, hiệu quả giáo dục của tiết học được nâng lên. Trong các đề kiểm tra, tôi cũng thường yêu cầu học sinh liên hệ với truyền thống cách mạng của địa phương, kể tên và nêu ý nghĩa của các di tích lịch sử nơi các em sinh sống… Được biết trong các năm học, hàng tháng Trường THPT Định Hoá đều tổ chức luân phiên cho học sinh vệ sinh khu di tích lịch sử Nhà tù Chợ Chu, mời các nhân chứng, người am hiểu lịch sử địa phương đến nói chuyện truyền thống với các em tại đây. Ngoài ra, Đoàn trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Hành trình về nguồn, tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử trên địa bàn và kết nạp đoàn viên tại di tích; tổ chức thi viết tìm hiểu về ATK Định Hóa…
Bí thư Huyện đoàn Định Hóa Hoàng Thị Ngà cho biết: Huyện đoàn luôn quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên thông qua nhiều hình thức khác nhau, coi đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. 5 năm qua, Huyện đoàn đã chỉ đạo triển khai, phối hợp tổ chức được 117 hoạt động giáo dục truyền thống thu hút gần 14.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia. Đặc biệt, Huyện đoàn và Hội Cựu chiến binh huyện đã xây dựng quy chế phối hợp giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên bằng hình thức kể chuyện lịch sử, nói chuyện truyền thống.
Bên cạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, công tác sưu tầm, biên soạn các ấn phẩm, tài liệu phục vụ tuyên truyền cũng được Huyện ủy Định Hóa chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt. Trong nhiệm kỳ, Huyện ủy đã tổ chức biên soạn và xuất bản 500 cuốn “Lịch sử biên niên huyện Định Hóa”, hoàn thiện bộ phim tư liệu tuyên truyền “Định Hóa - Thủ đô gió ngàn”; Ban Tuyên giáo đã biên soạn tài liệu “Vài nét về truyền thống lịch sử cách mạng huyện Định Hóa từ năm 1930 đến nay”, cuốn “Đề cương giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng huyện Định Hóa” và cuốn sách văn học nghệ thuật “ATK - Thủ đô kháng chiến”. Đến nay đã có 9/24 xã, thị trến trên địa bàn hoàn thiện cuốn lịch sử đảng bộ, các địa phương còn lại đều đang tích cực tổ chức biên soạn. Các tài liệu này đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn.
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Bồi dưỡng lịch sử cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”, trên cơ sở những kết quả của việc triển khai Đề án số 03-ĐA/HU, Huyện ủy Định Hóa xác định sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác giáo dục truyền thống, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng và xuyết suốt.