“Ra lò” tàu tên lửa hiện đại đầu tiên tại Việt Nam

08:19, 24/08/2015

Được Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) giao nhiệm vụ thực hiện Hợp đồng đã ký với Liên bang Nga về chuyển giao công nghệ đóng loạt tàu tên lửa tiến công nhanh Molnhia “tia chớp” (hay còn gọi là tàu M); mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song những năm qua, đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Tổng Công ty (TCT) Ba Son đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm chủ công nghệ, cho “ra lò” loạt tàu tên lửa hiện đại đầu tiên tại Việt Nam.

Chủ động nghiên cứu, làm chủ thiết kế - công nghệ

 

Đại tá Nguyễn Mạnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật TCT Ba Son, kiêm Trưởng ban điều hành Dự án đóng mới tàu M, cho biết: Từ năm 2004, bước vào thực hiện dự án, từ khâu tiếp nhận bản quyền ở Liên bang Nga, cho đến quá trình triển khai thực hiện đóng mới tàu M tại TCT Ba Son, đơn vị gặp không ít khó khăn. Vì đây là loại tàu chiến được tích hợp nhiều giải pháp thiết kế và công nghệ hiện đại, khi đóng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình công nghệ kỹ thuật của nhà thiết kế. Lần đầu loạt tàu chiến hiện đại, có giá trị cao (khoảng 3.000 tỷ đồng/chiếc), được đóng mới, hiệu chỉnh thử nghiệm tại Việt Nam, do chính người Việt Nam thực hiện. Trong khi đó, phần lớn trang, thiết bị của đơn vị đã qua sử dụng nhiều năm, công nghệ lạc hậu; đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật (CNKT) lần đầu tham gia dự án; TCT lại đang trong thời điểm thực hiện quy hoạch phải di dời, mặt bằng sản xuất bị thu hẹp...

 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, TCT đã coi trọng lựa chọn, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trong đó, chọn cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật sang nước bạn học tập công nghệ đóng tàu M theo các độ tuổi thích hợp, để vừa áp dụng được ngay, vừa bảo đảm tính kế thừa, đào tạo lại sau này. Đề xuất, lựa chọn sử dụng chuyên gia nước ngoài bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng thời điểm. Khi tiếp nhận bạn chuyển giao bản quyền còn những bất cập như: chưa hiệu chỉnh thay đổi mới nhất về thiết bị, thiết kế và chưa tính đến điều kiện khí hậu, thời tiết khi đóng tàu M ở Việt Nam, TCT đã chủ động chuẩn bị các phương án công nghệ thay thế phù hợp. Nhất là, lần đầu tại Việt Nam làm chủ công nghệ hàn ti-tan; đây là loại vật liệu đắt tiền, yêu cầu cao trong bảo quản, vận chuyển gia công. Ngay cả ở nhà máy chuyển giao công nghệ cũng không có nhiều thợ hàn được vật liệu này. Bắt tay vào thử nghiệm, đơn vị gặp nhiều khó khăn, ngay cả thợ hàn giỏi, đạt “bàn tay vàng”, từng hàn trên sản phẩm đóng tại nước bạn nhưng cũng không thành công. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, đến nay TCT đã làm chủ công nghệ, chế tạo được máy hàn ti-tan tự động, đưa vào sản xuất tạo ra loạt sản phẩm ổn định về chất lượng, thẩm mỹ và bảo đảm tiến độ.

 

Cùng với đó, TCT nghiên cứu, thử nghiệm thành công việc ứng dụng các loại vật tư trong nước thay thế tương đương hoặc tốt hơn một số vật tư đặc chủng ngoại nhập, như: Sử dụng lưới làm bằng sợi Polypropylene có tại thị trường trong nước để chế tạo lưới lọc khí trong hệ thống hút gió máy chính; chi tiết này nếu mua của nước ngoài giá khoảng 1,2 triệu USD. Hoặc sử dụng thiết bị Easy laser (công nghệ laser) cùng với việc tự thiết kế chế tạo các đồ gá để lắp ráp hệ động lực và lắp các mặt phẳng chuẩn, bảo đảm độ chính xác cao trong kiểm tra và hiệu chuẩn hệ thống vũ khí, khí tài. Thiết bị này nếu mua theo yêu cầu bản quyền giá khoảng năm tỷ đồng. Đồng thời, chế tạo thành công các thiết bị máy móc, công nghệ mới như: hoán cải máy uốn thép hình thành máy chạy gờ đối với các hệ thống ồn; thiết bị tạo gân gia cường cho vật liệu hợp kim nhôm có độ dày đến 3 mm; thay thế các trang thiết bị trinh sát, phát hiện tác nhân phóng xạ...

 

Niềm tự hào của người lính thợ Ba Son

 

Có mặt tại Xí nghiệp đóng tàu M (TCT Ba Son), mặc dù những ngày đầu tháng tám, thời tiết nắng nóng oi nồng, vậy mà trong nhà đóng tàu khung sắt lợp tôn, hàng trăm cán bộ, công nhân (CB, CN) và người lao động của đơn vị vẫn chạy đua cùng thời gian thi công hoàn thành phần thân vỏ của tàu M5 và M6. Tiếng búa, tiếng máy, xen lẫn tiếng cười, nói của những người lính thợ làm cho không khí làm việc trên công trường thêm sôi động, khẩn trương. Tranh thủ phút nghỉ giải lao, Trung tá Tô Văn Cường, Phó Giám đốc Xí nghiệp, cho biết: Thi công tàu M là loại tàu hiện đại, nên số lượng bản vẽ lớn, nhiều chi tiết trên tàu gia công tại Việt Nam nhưng vật tư, thiết bị lại chủ yếu nhập từ Nga, U-crai-na... nên việc vận chuyển, tiếp nhận, điều chỉnh gặp không ít khó khăn. Khi lắp đặt các chi tiết trên tàu đòi hỏi độ chính xác cao như: đế bệ hệ thống vũ khí, ra-đa và các trang, thiết bị đòi hỏi khi gia công cần độ chính xác cao. Do vậy, trong thi công, đơn vị yêu cầu mỗi CB, CN kỹ thuật phải nghiên cứu kỹ tài liệu, phối hợp chuyên gia nước ngoài đề ra quy trình lắp đặt các trang, thiết bị bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, chính xác. Để bàn giao tàu đúng tiến độ, đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng việc làm cụ thể, thiết thực như: tiết kiệm thời gian, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng các phương án tối ưu, sử dụng hiệu quả vật tư, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang, thiết bị khi thi công.

 

Vừa cùng đồng đội phân loại vật tư, thiết bị để chuyển lên boong tàu phục vụ công việc lắp đặt, mồ hôi túa ra trên gương mặt sạm nắng, lưng áo đẫm mồ hôi, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thanh Bình, trưởng nhóm lắp đặt thiết bị, quê ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), chia sẻ: Việc lắp đặt, hiệu chỉnh đồng bộ vũ khí, khí tài trên tàu trọng lượng nặng, khối lượng lớn, lại đắt tiền, yêu cầu đòi hỏi độ chính xác cao; làm việc trong môi trường ồn, độc hại; thi công trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Để bảo đảm đúng tiến độ, CB, CN phần lớn phải làm thêm giờ, nhiều hôm phải thức thâu đêm suốt sáng, ăn bánh mỳ, mỳ tôm “cầm hơi” để lắp đặt, căn chỉnh hệ thống ra-đa, pháo, hệ thống trục, máy lái, hộp số... Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi ai nấy đều phấn khởi, tự hào được tham gia đóng mới loạt tàu tên lửa hiện đại đầu tiên tại Việt Nam; mỗi người đều đề cao trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Niềm vui và phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là đóng mới loạt tàu M vừa qua, việc lắp đặt các thiết bị trên tàu đã được các chuyên gia nước bạn đánh giá cao. Trong đó, các thiết bị phục vụ bắn pháo, tên lửa, có độ chính xác cao, bảo đảm tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu”.

 

Có thể khẳng định, việc đóng thành công loạt tàu tên lửa hiện đại đầu tiên tại Việt Nam đã tạo bước đột phá trong làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự hiện đại, không chỉ khẳng định năng lực của nền sản xuất CNQP, Tổng cục CNQP, mà còn góp phần nâng cao chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Hải quân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.