Tập trung lãnh đạo xây dựng huyện ngày càng vững mạnh

15:37, 10/08/2015

Nhiệm kỳ 2010-2015, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Đảng bộ huyện Đại Từ cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Song với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Có thể khẳng định, nhiệm kỳ vừa qua là nhiệm kỳ có nhiều dấu ấn đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện…  

Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, trong đó đã xây dựng, chỉ đạo thực hiện Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng trong cơ quan Huyện ủy, đoàn thể, các cơ quan thuộc UBND huyện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Sau khi thực hiện Đề án, số đầu mối tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ huyện giảm từ 72 (đầu nhiệm kỳ) xuống còn 58 (năm 2015), năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, rất thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện.

 

Bên cạnh công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ được xác định là giải pháp mang tính đột phá nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ đã xây dựng Đề án về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, công chức huyện Đại Từ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Kết quả nổi bật từ thực hiện Đề án này là các khâu trong công tác cán bộ được đổi mới tích cực; bộ máy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể được kiện toàn… Chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên đã góp phần quan trọng, quyết định đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ vừa qua.

 

Thị trấn Hùng Sơn - trung tâm huyện lỵ Đại Từ - có tổng diện tích 1.400ha, dân số 1,7 vạn người, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại IV trong những năm tới. Trong ảnh: Một góc thị trấn Hùng Sơn hôm nay.

 

Để xây dựng thị trấn trung tâm huyện theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài của huyện Đại Từ, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, huyện đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý cho sáp nhập thị trấn Đại Từ và xã Hùng Sơn thành một đơn vị hành chính, đổi tên thành thị trấn Hùng Sơn. Từ một đơn vị hành chính có diện tích nhỏ hẹp (103ha), dân số gần 4.400 nhân khẩu, sau khi sáp nhập, diện tích thị trấn trung tâm huyện được mở rộng lên trên 1.400ha và dân số 1,7 vạn nhân khẩu, xứng đáng với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của huyện; tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại 4 trong nhiệm kỳ tới.

 

Trong lĩnh vực kinh tế, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đạt được những kết quả quan trọng trên một số lĩnh vực được xác định là mang tính đột phá, cơ bản của nhiệm kỳ. Đặc biệt là việc huy động nguồn lực, đạt được kết quả quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tính đến tháng 7-2015, huyện có 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 1 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết, là huyện có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất tỉnh, các xã còn lại đều hoàn thành từ 10 đến 16 tiêu chí.

 

Những năm gần đây, nông dân Đại Từ đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong ảnh: Nông dân xã Cù Vân làm đất gieo cấy lúa mùa.

 

Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, Đảng bộ đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh cây chè như tiến hành trồng thay thế, trồng mới bằng giống có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng và quảng bá thương hiệu chè Đại Từ, đặc biệt là đã hình thành và phát huy hiệu quả Lễ hội trà Đại Từ hằng năm. Do đó, hiệu quả sản xuất chè được nâng cao, sản lượng chè búp tươi năm 2015 ước đạt 62.000 tấn.

 

Công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện cũng để lại dấu ấn nổi bật. Huyện đã quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch để đón đầu các dự án, đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giải phóng mặt bằng, giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện các công trình, dự án... Do vậy, tổng vốn đầu tư thu hút trong giai đoạn 2011-2015 đạt trên 2.394 tỷ đồng, tăng hơn 1.038 tỷ đồng so với giai đoạn 2005-2010.

 

Trong giai đoạn 2010-2015, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đạt mức tăng bình quân 52,19%/năm. Trong ảnh: Đội ngũ cán bộ, công nhân Công ty TNHH Khai thác, Chế biến khoáng sản Núi Pháo vào ca sản xuất.

 

Cùng với thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, huyện đã duy trì đối thoại để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp… Do vậy tốc độ tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt cao (bình quân 26,7%/năm). Tại 2 cụm công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, không những góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho toàn tỉnh, như Nhà máy Xi măng Quan Triều, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (đầu tư tại Cụm công nghiệp An Khánh 1), Nhà máy may TNG...

 

Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng, hiệu quả giáo dục tiếp tục được nâng cao, dự kiến cuối năm 2015 toàn huyện có 81/97 trường đạt chuẩn Quốc gia. Ngoài ra, hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục được đổi mới, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số được quan tâm, toàn huyện có 21/30 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Bình quân hằng năm huyện có gần 3.000 lao động có việc làm mới. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3,67%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 dự kiến đạt 46,7 triệu đồng (tăng 29,96 triệu đồng so với năm 2011)...

 

Công tác y tế được huyện quan tâm đầu tư, đến nay đã có 21/30 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020; bình quân có 3,5 bác sĩ trên một vạn dân… Trong ảnh: Khám chữa bệnh cho nhân dân tại Trung tâm Y tế huyện.

 

Để đạt được những kết quả toàn diện như vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã phát huy tốt sức mạnh đoàn kết, thống nhất của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện tin tưởng, vững vàng bước vào nhiệm kỳ mới với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu trở thành huyện NTM trước năm 2020 và xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh.

 

 

Một số chỉ tiêu chủ yếu của Đảng bộ huyện trong giai đoạn 2015-2020:


- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 10%


- Sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 70.000 tấn

- Sản lượng chè búp tươi đến năm 2020 đạt 68.000 tấn


- Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 17%/năm trở lên


- Thu cân đối ngân sách tăng bình quân 20%/năm trở lên


- Thu nhập bình quân đến năm 2020 đạt 80 triệu đồng/người/năm


- 100% các xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế


- Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm 2% trở lên; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%


- Phấn đấu hằng năm có trên 85% các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trên 90% số đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên


- Phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trước năm 2020.