Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng, cửa ngõ phía bắc Hà Nội (gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên). Năm 1945, trước thời cơ lịch sử của cách mạng, Trung ương Đảng đã chỉ đạo quân và dân các dân tộc đồng loạt Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tại Thái Nguyên, lực lượng Nhật tập trung 1.000 quân và tổ chức phòng thủ chặt chẽ. Bằng các biện pháp trinh sát, ta đã nắm chắc tình hình địch tuy đông nhưng không mạnh. Trên cơ sở đó, từ ngày 16/8/1945, Ban chỉ huy khởi nghĩa táo bạo tổ chức chi đội Giải phóng quân phối hợp với lực lượng quần chúng các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình được các đội du kích mạnh hỗ trợ, từ 5 hướng tiến về bao vây chặt thị xã, buộc địch phải rút vào các trại lính cố thủ. Ta chiếm các công sở, phá nhà lao, thu hơn 2.000 súng các loại; chốt chặt cửa ngõ vào thị xã.
Rạng sáng 20/8, từ Thịnh Đán (hướng Tây) chi đội Giải phóng quân 450 người chia làm ba mũi tiến công trại lính khố xanh, trại lính Tây cũ và các vị trí lẻ ở ngoại vi. Phối hợp với Giải phóng quân, các đội du kích huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên chiếm nhà đèn, chốt chặn hướng Đông Bắc và hướng Nam, buộc tên Tỉnh trưởng Thái Nguyên và Đồn trưởng Đồng Hỷ phải đầu hàng... Đến ngày 26/8, Thái Nguyên giành chính quyền thắng lợi.
Hướng Lạng Sơn, từ căn cứ địa Bắc Sơn, phát hiện địch phòng ngự trễ nải, đêm 15/8, du kích ta bất ngờ tiến công giải phóng đồn Pác Nàng (huyện Bình Gia) thu nhiều vũ khí. Thừa thắng, lực lượng khởi nghĩa chiếm Ôn Châu (huyện Chi Lăng) ngày 19/8; Thất Khê (huyện Tràng Định) ngày 21/8. Phát huy thắng lợi đã đạt được ngày 25/8, hai đại đội Giải phóng quân từ Ba Xã, Bằng Mạc, Điềm He (huyện Bình Gia) phối hợp với hàng nghìn quần chúng từ các huyện biểu tình thị uy tiến vào giải phóng thị xã Lạng Sơn.
Cùng thời gian đó, ta tấn công giành chính quyền ở Tuyên Quang, trong 5 ngày (17 đến 21/8) ta giải phóng hành lang phía Tây của căn cứ địa, tiến về Hà Nội theo hướng Tây, Tây Bắc.
Với khí thế cách mạng lên cao chưa từng có, từ 17 đến 20/8, quân và dân Cao Bằng bao vây, tiến công các đồn: Sóc Giang, Nước Hai, thị trấn Trùng Khánh và huyện lỵ Quảng Uyên, phá tan các đồn binh dọc biên giới, buộc quân Nhật phải rút chạy. Ở hướng Tây Nam của tỉnh, trước sức tiến công của ta, quân Nhật ở Nguyên Bình, Tĩnh Túc phải bỏ chạy về xuôi, chớp thời cơ du kích Bắc Kạn bày trận bẫy đá, hầm chông phục kích trên đèo Kô-li-a, khiến địch thiệt hại nặng, ta thu nhiều vũ khí trang bị cho du kích.
Đến 21/8, ta giành chính quyền tại thị xã Cao Bằng, quân Nhật ở thị xã hoảng sợ rút chạy theo Đường số 3 về Bắc Kạn cố thủ, bị ta bao vây chặt, tiến thoái lưỡng nan, chúng buộc phải bàn giao chính quyền, điều đình với ta để rút về Hà Nội. Ngày 23/8, Bắc Kạn hoàn toàn giải phóng, nối thông toàn bộ vùng Căn cứ địa Việt Bắc.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày (từ 16 đến 25/8/1945), 6 tỉnh Việt Bắc đã giành chính quyền thành công. Thắng lợi này khẳng định nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo xuất sắc của Đảng ta, cấp ủy Đảng và Việt Minh các cấp đã chủ động, nhanh chóng chớp thời cơ; chọn hướng và mục tiêu giành chính quyền chính xác; phối hợp nhịp nhàng giữa sức mạnh chính trị của quần chúng và các đòn tiến công vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân./.