Cần thi hành án tử hình đối với tội tham ô tài sản

16:00, 11/09/2015

Hiện nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với nhiều hình thức. Theo đó, rất nhiều ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân đã được nêu ra tại các hội nghị, tọa đàm cũng như thể hiện quan điểm, chính kiến của mình bằng văn bản gửi đến đơn vị tổ chức. Trong đó, về quy định đưa ra tại điểm c, khoản 3, Điều 39 của dự thảo Bộ luật nhận được nhiều ý kiến tham gia.

Tại điểm c, khoản 3, Điều 39, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có ghi: “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn”. Đây cũng là một trong các nội dung trọng tâm xin ý kiến nhân dân mà Ban Dự thảo đã đưa ra tại phần phụ lục 1.

 

Về vấn đề này, phụ lục 1 đưa ra 2 loại ý kiến tán thành và không đồng tình với quy định này. Trong đó, loại ý kiến đồng tình được đề cập nhiều hơn với 5 lý do và được phân tích khá sâu. Còn loại ý kiến không nhất trí chỉ được đưa ra với 1 lý do là: Điều này, ở một khía cạnh nào đó sẽ dẫn đến cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình. Đối với loại ý kiến thứ 2 này, nhiều người cho rằng việc “không thi hành án tử hình đối với tội danh trên” là chưa thể hiện được tính răn đe, nghiêm minh của Luật. Bởi hiện nay có quá nhiều án tham ô tài sản của Nhà nước chưa được xử lý triệt để. Nạn tham ô, tham nhũng diễn ra ở quá nhiều lĩnh vực, ngành nghề và ngày càng trầm trọng. Tham ô của Nhà nước chính là hành vi ăn cắp, ăn cướp tài sản của nhân dân bởi tài sản của Nhà nước do nguồn thu từ người dân đóng thuế mà ra. Nếu bỏ án tử hình thì không khác nào tạo điều kiện cho các cán bộ Nhà nước thực hiện hành vi tham ô tài sản mà không bị pháp luật xử lý nghiêm minh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế, niềm tin của nhân dân đối với pháp luật. Đây cũng là nguy cơ khiến xã hội có thể có nhiều bất an về mặt an ninh chính trị. Hơn nữa, nếu người bị kết án tử hình tự nguyện giao nộp toàn bộ (hoặc chỉ là một phần) số tiền, tài sản do họ phạm tội mà có thì đã có nên được miễn hình phạt cao nhất? Trong khi đó, việc thu hồi tiền, tài sản do kẻ phạm tội tham ô gây ra là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền (tức là có cán bộ, cơ quan chuyên trách thực thi theo sự phân công của Đảng, Nhà nước). Cơ quan này phải có biện pháp để thu hồi. Nếu quy định như vậy sẽ làm mất đi tính chất răn đe của án phạt tử hình, tiếp tay cho tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng và kinh tế. Như vậy, họ sẵn sàng bỏ ra một phần tiền, tài sản do phạm tội mà có để thoát án tử hình, chấp nhận ngồi tù để người nhà sống sung túc và dùng chính tiền ấy để thăm nuôi mình chờ ngày đặc xá.

 

Rõ ràng, ý kiến này là hoàn toàn có lý. Bởi khi kẻ đã bị điều tra, phát hiện có hành vi tham ô thì tất nhiên bị pháp luật xử lý. Nghĩa là họ có chủ động, tự nguyện giao nộp (khắc phục) hay không thì số tài sản phi pháp ấy vẫn phải được cơ quan có thẩm quyền truy thu, dù kẻ phạm tội có muốn hay không. Mặt khác, tội tham ô vốn đã khó phát hiện, việc làm rõ được đầy đủ khối lượng tài sản bất chính ấy còn khó khăn hơn. Tài sản ấy hoàn toàn có thể đã được người phạm tẩu tán, hợp thức hóa bằng mọi cách thức tinh vi, khôn khéo, nhiều khi cơ quan điều tra cũng không thể tìm ra được. Trái lại, người phạm tội chỉ cần bỏ ra một phần tiền, tài sản (thậm chí là phần không đáng kể) để khắc phục hậu quả, bước đầu tránh được bản án tử hình. Từ đó, họ chấp nhận ngồi tù, cải tạo tốt, chờ giảm án từng bước, đồng thời, để người nhà có thể ung dung, an hưởng cuộc sống dư giả từ phần tài sản mà họ đã tẩu tán, hợp thức hóa hoặc qua mặt được các cơ quan chức năng. Chưa kể có người còn áp dụng quan điểm “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

 

Còn loại tội phạm sản xuất, mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cũng là loại tội phạm nguy hiểm, có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trước hết, những kẻ tham gia vào hoạt động này thường thu được một khoản lợi nhuận bất chính rất lớn. Trong khi thuốc chữa bệnh lại dùng để cứu người, nếu người bệnh mua phải hàng giả không chỉ là mất tiền (thậm chí rất nhiều tiền) mà còn bị nguy hiểm đến tính mạng. Kẻ sản xuất hàng giả rõ ràng là cố tình làm giàu bất chính trên sinh mạng của người khác. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến một vài người mà là cả xã hội. Sẽ có bao nhiêu người bị thiệt hại về sức khỏe, thậm chí mất mạng oan nếu mua và sử dụng phải loại thuốc này để chữa bệnh? Ai là người xác nhận, ai chịu trách nhiệm? Và dù có phát hiện ra kẻ gây tội thì yêu cầu khắc phục hậu quả như thế nào cho thỏa đáng khi tính mạng con người đã không còn? Chưa kể, sản xuất hàng giả thường kèm theo việc làm nhái, ăn cắp thương hiệu có uy tín trên thị trường để lừa người tiêu dùng… Như vậy, hành vi này là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến một chuỗi các hành vi phạm tội khác, cần phải bị nghiêm trị.

 

Với những lý do đó, không những phải duy trì hình phạt tử hình đối với tội danh tham ô tài sản và tội sản xuất, mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (dù kẻ phạm tội bị kết án tử hình đã khắc phục hậu quả) mà Quốc hội cần bổ sung thêm điều khoản quy định về thời hạn thi hành án tử hình vào Bộ luật Tố tụng Hình sự để bảo đảm tính công minh, triệt để trong thi hành án và hệ thống pháp luật Việt Nam.