Chủ tịch Quốc hội: “Không phải uỷ quyền là hết trách nhiệm”

15:54, 27/09/2015

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, người uỷ quyền và người được uỷ quyền ra quyết định hành chính đều có trách nhiệm.  

Nhiều quyết định hành chính sai, gây bức xúc

 

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật ban hành quyết định hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, số lượng vụ việc khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hàng năm không nhỏ cũng phần nào phản ánh chất lượng của các quyết định hành chính là chưa đảm bảo.

 

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tổng số vụ án hành chính được thụ lý để giải quyết sơ thẩm ở TAND cấp tỉnh và cấp huyện là 4.645 (từ 1/10/2011 đến 30/9/2012), 3.577 (từ 1/10/2012 đến 30/9/2013) và 3.366 (từ 1/10/2013 đến 30/9/2014).

 

Một số vụ việc trở thành điểm nóng, một số vụ việc trở nên phức tạp đã ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định chính trị - xã hội của một địa phương, một vùng, thậm chí trên toàn quốc.

 

Những vụ việc như vậy được đánh giá là do một số quyết định hành chính không hợp lý, gây thiệt hại cho một cộng đồng người dân, hoặc có những quyết định hành chính trái pháp luật nhưng không được xử lý kịp thời.

 

"Trong tương lai, nếu pháp luật không điều chỉnh chặt chẽ thì số vụ khiếu nại quyết định hành chính sẽ có xu hướng gia tăng khi nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao trong điều kiện tăng cường dân chủ và pháp quyền, triển khai thi hành Hiến pháp mới”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

 

Ngoài ra, việc ban hành các quyết định chưa bảo đảm chất lượng, nhất là các quyết định hành chính động chạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân, đã gây phản ứng của người dân trước hoạt động của bộ máy công quyền, đồng thời cũng làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các cơ quan hành chính nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý- đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật ban hành quyết định hành chính.

 

Uỷ ban Pháp luật cũng cho rằng, việc ban hành quyết định hành chính là hoạt động quan trọng và được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc ban hành các quyết định hành chính vẫn còn nhiều hạn chế, không ít những trường hợp quyết định hành chính được ban hành không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa hợp pháp, hợp lý, xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

 

“Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hình thức, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính chưa được quy định tập trung, thống nhất và cụ thể”, ông Phan Trung Lý nói.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, luật phải bao quát, tránh xâm lấn với luật khác, rõ trách nhiệm, tránh phát sinh thủ tục thì mới khắc phục đường tình trạng văn bản ra lộn xộn, trái thẩm quyền, gây bức xúc.

 

Nhấn mạnh việc xử lý sai phạm, Chủ tịch Quốc hội nói: “Bộ tư pháp phát hiện ra mấy trăm, mấy nghìn văn bản sai nhưng kiến nghị thì người ta nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Cuối cùng vẫn đứng nhìn thôi, gây bức xúc trong Quốc hội và xã hội”.

 

Uỷ quyền không có nghĩa là hết trách nhiệm

 

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, nhằm tạo sự thống nhất trong việc thực hiện ủy quyền ban hành quyết định hành chính, Dự thảo Luật đã đưa ra các nguyên tắc ủy quyền.

 

Theo đó, người ủy quyền chỉ được ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền của mình; chỉ được ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp; người được ủy quyền chỉ được ban hành quyết định trong phạm vi được ủy quyền; người được ủy quyền không được ủy quyền lại; việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản…

 

Đồng thời, dự thảo Luật cũng có một điều quy định việc ủy quyền ban hành quyết định được thực hiện bằng hai hình thức: ủy quyền thẩm quyền ban hành và ủy quyền ký ban hành.

 

Trong trường hợp ủy quyền thẩm quyền ban hành, người ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của quyết định hành chính do người được ủy quyền ban hành, trừ trường hợp người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền. Người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước người ủy quyền và trước pháp luật về quyết định do mình ban hành và hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của mình.

 

Đối với ủy quyền ký ban hành quyết định hành chính, người ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định do người được ủy quyền ký ban hành; người được ủy quyền ký chịu trách nhiệm trước người ủy quyền về quyết định hành chính đó.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị cân nhắc quy định này, bởi việc ban hành quyết định hành chính là thẩm quyền của cấp trưởng, cấp phải chịu trách nhiệm về việc ban hành quyết địn hành chính thuộc thẩm quyền của mình.

 

“Trong luật này nếu có đặc thù gì về uỷ quyền văn bản thì quy định, nếu không thì không cần uỷ quyền nói chung, bởi các luật khác nói phân cấp phân quyền rõ rồi. Nhưng dù phân quyền gì thì Luật Tổ chức Chính phủ quy định Bộ trưởng chịu trách nhiệm với tư cách quản lý ngành, là thành viên Chính phủ, còn Thứ trưởng giúp Bộ trưởng. Không phải ông được uỷ quyền là toàn quyền”, ông Phan Trung Lý nói.

 

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hiền cũng cho rằng nên xác định rõ trách nhiệm người uỷ quyền và người được uỷ quyền để dễ xử lý trong trường hợp quyết định hành chính bị khiếu kiện.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì nhấn mạnh: “Ông nào đã ký là phải chịu trách nhiệm, người uỷ quyền và người được uỷ quyền đều có trách nhiệm. Không phải uỷ quyền là hết trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.