Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo “V iệc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014 ” .
Đoàn giám sát đã đánh giá cụ thể về việc ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường; công tác tổ chức thực hiện của các địa phương; q uản lý, sử dụng đất đai trong các nông, lâm trường .
* Thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến
Qua giám sát cho thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp được ban hành kịp thời, tạo căn cứ pháp lý quan trọng, cần thiết cho quản lý, sử dụng đất đai các nông, lâm trường và đã được triển khai thực hiện đến hầu hết các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, quá trình quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, đã trải qua nhiều lần thay đổi luật đất đai và các quy định, chính sách đất đai. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các Bộ còn chậm và chưa đồng bộ. Một số quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đôi khi chưa theo kịp, chưa giải quyết được các thực tế luôn diễn ra rất đa dạng, phức tạp.
Đoàn giám sát đánh giá công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với đất thuộc các nông, lâm trường còn nhiều bất cập. Nhiều vụ tranh chấp, lấn chiếm đất đai tồn tại nhiều năm không được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh của đơn vị và tình hình xã hội của địa phương. Tình trạng buông lỏng quản lý đất đai của các nông, lâm trường còn tương đối phổ biến nhưng chậm được phát hiện hoặc không được giải quyết dứt điểm. Mối quan hệ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước giữa các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương với UBND các địa phương có nông, lâm trường chưa thật đồng bộ, ăn khớp…
Qua giám sát cho thấy, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong quản lý đất đai nông, lâm trường, tuy nhiên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai chưa được triển khai đồng đều ở các khu vực, nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đây chính là địa bàn của phần lớn các lâm trường và công ty lâm nghiệp. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về đất đai tại nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên; đặc biệt là vai trò của UBND các cấp trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường còn hạn chế. Tình trạng đất được Nhà nước giao, cho thuê sử dụng không đúng mục đích, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng không hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa giải quyết kịp thời. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường và phân bổ lại cho các đối tượng sử dụng đất tại chỗ còn bộc lộ nhiều lúng túng…
Đoàn giám sát đã chỉ ra rằng trong giai đoạn 2004 - 2014, các nông, lâm trường hiện nay được nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn với 7.916.467 ha (trong đó có 2.410.970 ha rừng sản xuất; 638.985 ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619 ha đất chưa sử dụng), song sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tướng xứng với nguồn lực. Tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1809 tỷ đồng, phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định. Các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt (điển hình là ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung); vẫn còn tình trạng để đất hoang hoá chưa sử dụng.
Việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28-NQ/TW thực hiện chậm, chất lượng và hiệu quả đạt được thấp. Nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại. Hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc Ban quản lý mà chưa có sự thay đổi trong quản trị đơn vị và quản lý, sử dụng đất đai. Việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa; hầu hết nông, lâm trường sau khi được sắp xếp lại đã không thực hiện việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp lại; không rà soát xác định, cắm mốc và đo đạc ranh giới đất… Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai tiếp vẫn còn lỏng lẻo, không được tăng cường. Thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật như giao khoán đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp…
* Cần có Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường
Đoàn giám sát kiến nghị, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường nhằm sớm khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng theo đúng các quy định của pháp luật. Yêu cầu Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu, lộ trình thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Cân đối nguồn lực từ ngân sách Trung ương để đảm bảo cơ bản việc đo đạc, cắm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính cho các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý. Cần có các giải pháp kiên quyết và đủ mạnh, đồng bộ để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng, đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, tập trung chỉ đạo, khuyến khích phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt, sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ hiệu quả; đồng thời mạnh dạn, kiên quyết sáp nhập, giải thể, cho phá sản đối các công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ tài chính, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất, không quản lý được đất đai... Gắn trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản, các cấp chính quyền địa phương với doanh nghiệp, chủ đất trong việc rà soát, đánh giá hiệu quả và nhu cầu sử dụng đất, thực hiện thu hồi các diện tích đất không sử dụng, chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, giao cho chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng, giao cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo luật đất đai, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.
Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những tồn đọng, bất cập mà nguyên nhân là do cơ chế chính sách để bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có các tồn tại trong quản lý nhà nước về đất đai; làm rõ trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn về quản lý, sử dụng đất đai trong giai đoạn 2004 – 2014.../.