Để Bộ luật có sức răn đe mạnh hơn

08:54, 10/09/2015

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được những người làm báo của Báo Thái Nguyên tham gia đóng góp nhiều ý kiến.

Về vấn đề “trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội phạm pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự”: Ngoài việc cho rằng đến thời điểm này việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự là cần thiết, nhiều ý kiến khác đề nghị bổ sung“phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội”. Theo đó, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên: Đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành “Người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” và đề nghị bổ sung quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự là cần thiết áp dụng với người chưa thành niên phạm tội.

 

Về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, dự luật loại trừ các pháp nhân là: Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng tham gia các hoạt động kinh tế. Vì vậy nếu pháp luật loại trừ các trường hợp này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Do đó chỉ nên loại trừ các cơ quan Nhà nước chứ không thể loại trừ như trong dự thảo Bộ luật đã nêu.

 

Vấn đề “bỏ tử hình với một số tội, quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người kết án tử hình nhưng được ân xá xuống tù chung thân” trong dự thảo Bộ luật cũng được người làm báo của tỉnh quan tâm. Đa số các ý kiến nhất trí việc bỏ tử hình đối với 7 tội danh nêu trong dự thảo Bộ luật để người bị kết án có cơ hội được sống và khắc phục hậu quả. Về quy định không giảm án đối với người kết án tử hình nhưng được ân giảm, các ý kiến đề nghị “thời gian chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm”. Những người làm báo cũng nhất trí cao việc “không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên” để thể hiện ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của Nhà nước ta.
Một số điều luật cũng được phân tích đề nghị sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là:

 

Điều 35, Điều 36 có đề xuất bổ sung cơ chế chuyển đổi từ hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên, không nên quy định việc chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù. Vì nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt sẽ bị truy tố về tội không chấp hành án; việc chuyển đổi này sẽ làm xấu hơn tình trạng của bị cáo (đang từ không tước tự do là phạt tiền và cải tạo không giam giữ bị chuyển thành hình phạt tù). Điều 17, khoản 1 “Đồng phạm”, dự luật nên bổ sung: “Đồng phạm là trường hợp có 2 người trở lên (trực tiếp hoặc gián tiếp) cố ý cùng thực hiện một tội phạm” để thống nhất với Khoản 3 của Điều này, vì người xúi giục, người giúp sức, thậm chí là người chủ mưu, có thể không trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện hành vi phạm tội nhưng cũng là đồng phạm. Điều 26 “Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên”, dự thảo Bộ luật chỉ đề cập đến đối tượng là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Vũ trang Nhân dân: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng Vũ trang Nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh, cấp trên nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

 

Tuy nhiên, với đối tượng là cán bộ, công chức thì Luật Cán bộ, công chức cũng đã quy định nghĩa vụ chấp hành tuyệt đối của cán bộ cấp dưới với cấp trên. Vì vậy, đề nghị bổ sung cả với các đối tượng là cán bộ, công chức vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Điều 430: Đối với hành vi quấy nhiễu Nhân dân “Người nào có hành vi quấy nhiễu nhân dân đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”. Đối với hành vi này, người bị hình phạt tù cần bổ sung hình phạt hành chính, để bù đắp những ảnh hưởng (về sức khỏe, tinh thần, hoặc vì sự quấy nhiễu nên làm ảnh hưởng đến kinh tế) do người có hành vi quấy nhiễm gây ra cho người bị quấy nhiễu.