Đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về phòng vệ chính đáng và che giấu, tố giác tội phạm

15:27, 14/09/2015

Sau 15 năm thi hành, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có những đóng góp quan trọng, thể hiện khá toàn diện chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, trước yêu cầu thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là để phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2003 thì việc phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 là rất cần thiết. Với mong muốn được đóng góp một phần vào việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, những người làm công tác tư pháp của huyện Đồng Hỷ đã đề xuất một số nội dung vào dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) như sau:

 

Về vấn đề “Phòng vệ chính đáng”, khoản 2, (Điều 22) quy định: Đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng trong những trường hợp sau:

 

a. Chống lại người đang sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm để xâm phạm tính mạng, sức khỏe của mình hoặc của người khác.

 

b. Chống lại người đang sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm để chống lại người thi hành công vụ.

 

c. Chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm.

 

Như vậy đối với các hành vi quy định rõ ở các điểm a, b, c nêu trên là đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, không phải xét đến yếu tố “chống trả một cách cần thiết” như quy định trong cấu thành cơ bản (khoản 1) của Điều luật này. Tuy nhiên, theo quy định của điểm c thì chỉ được coi là đương nhiên phòng vệ chính đáng khi chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm. Các ý kiến cho rằng, ngoài hành vi giết người, hiếp dâm còn có những hành vi rất nguy hiểm khác mà việc chống trả lại những hành vi này cũng cần phải được coi là đương nhiên phòng vệ chính đáng. Cần phải mở rộng phạm vi “Đương nhiên” rộng hơn nữa đối với người chống trả lại người đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng khác. Vì vậy, các ý kiến đề xuất nên sửa đổi điểm c như sau: Chống trả người đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng.

 

Vấn đề “Quy định về che giấu tội phạm” (Điều 18): Các ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người che dấu tội phạm là người thân thích của người phạm tội. Khoản 2, Điều luật này quy định: “các đối tượng là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”. Các ý kiến cho rằng, nếu luật quy định những người thân thích phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi che giấu tội phạm thì quá nghiêm khắc. Vì vậy, chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự của người thân thích che giấu người phạm tội đối với những tội phạm về An ninh Quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

 

Về vấn đề “Không tố giác tội phạm” (Điều 19): Các ý kiến cho rằng nên loại trừ trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nhất là trường hợp họ là người thân thích của người phạm tội. Hành vi không tố giác tội phạm là hành vi không có hành động, tính nguy hiểm thấp hơn hành vi che giấu tội phạm.

 

Trong quy định “loại trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa”: Các ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ về hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa để có quy định thỏa đáng, phù hợp với Luật Luật sư và bảo đảm pháp chế Xã hội chủ nghĩa. Cụ thể: Trường hợp người bào chữa trong vụ án biết rõ thân chủ của mình đã thực hiện một tội phạm khác có tình tiết tăng nặng khác, trong vụ án đó mà không tố giác thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người bào chữa trong vụ án mà biết rõ thân chủ của mình đang hoặc sẽ thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Ngoài ra, về quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12), rất nhiều ý kiến đồng tình với việc sửa khoản 1, có nội dung: “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình dự về mọi tội phạm, trừ nhữung trường hợp khác do Bộ luật này quy định”. Theo đó, việc bổ sung “trừ những trường hợp khác do Bộ luật này quy định” sẽ khắc phục được thiếu sót khi trong phần các tội phạm có những điều luật quy định người chưa thành niên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các ý kiến đều không đồng tình với quan điểm nên hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và đề nghị giữ nguyên như trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)…