Đề nghị viết hoa chữ Nhân dân trong Báo cáo chính trị

15:15, 03/09/2015

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) được các đảng viên quan tâm đóng góp ý kiến. Đa số các ý kiến đánh giá nội dung dự thảo Báo cáo được thực hiện công phu, kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện các mặt đã đạt được cũng như chỉ ra hạn chế yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sát thực tiễn. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo còn dài, cần cô đọng hơn. Phần kinh tế - xã hội có nhiều số liệu chứng minh, nhưng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn ít số liệu, đề nghị bổ sung để báo cáo đầy đủ, thuyết phục hơn.

Về chủ đề Đại hội Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đề nghị điều chỉnh cụm từ “… xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững” thành “… xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển toàn diện và bền vững”. Về mục tiêu tổng quát 5 năm 2015-2020, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với thực tế. Theo đó, chỉ tiêu (1) về tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu hàng năm 10% như dự thảo là thấp, đề nghị tăng lên 12%, do nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng 12%. Chỉ tiêu (8) “đến năm 2020 có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới” là cao, khó thực hiện. Vì vậy, tỉnh phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Đặc biệt cần hỗ trợ đầu tư tập trung cho các địa phương vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn mới có thể đạt được mục tiêu này. Tương tự, chỉ tiêu (10) “đến năm 2020, có 90% trở lên gia đình văn hóa, 70% làng, xóm, tổ dân phố đạt văn hóa” là cao và khó thực hiện. Chỉ tiêu thu ngân sách được nhiều người quan tâm phân tích. Theo dự thảo, mục tiêu “thu ngân sách Nhà nước trong cân đối tăng bình quân 16%” cần phải diễn giải thêm. Vì theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 có nêu: “Đặt mục tiêu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách”. Do đó, đề nghị sửa thành “thu ngân sách Nhà nước trong cân đối tăng bình quân 16%/năm (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Có như vậy việc đánh giá kết quả thu ngân sách Nhà nước sẽ sát, đúng hơn.

 

Là đơn vị sản xuất, kinh doanh, các đảng viên của Đảng bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất công nghiệp lại đề nghị bổ sung một số nội dung liên quan đến lĩnh vực này. Như mục 4.4 về kiểm điểm, đánh giá hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, thông tin tuyên truyền, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kết quả phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân viên chức, người lao động” vì đây là lực lượng chiếm khá đông trong tỉnh. Về phần nguyên nhân, hạn chế, khuyết điểm, đảng viên của Đảng bộ Công ty còn đề nghị nên đưa thêm nguyên nhân: Chưa tận dụng được nhiều tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, lao động, nhất là lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, sinh viên giỏi trên địa bàn tỉnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

 

Lỗi chính tả trong dự thảo Báo cáo cũng được phát hiện, đề nghị sửa chữa. Một số tên văn bản của Đảng, Nhà nước cần viết đầy đủ tên văn bản, thời gian, cơ quan ban hành và nội dung trích dẫn văn bản; nên viết tắt một số cụm từ lặp đi lặp lại. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng từ “nhân dân” cần viết hoa là “Nhân dân”, bởi Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992), được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-1-2013, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, đã viết hoa chữ Nhân dân. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện mối quan hệ hữu cơ giữa Nhà nước, Đảng với Nhân dân. Vì thế, Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh cũng cần viết hoa chữ Nhân dân.