Tảo hôn nghĩa là hai nam, nữ kết hôn trước tuổi theo quy định của pháp luật (nam lấy vợ trước 20 tuổi, nữ lấy chồng trước 18 tuổi) và điều này bị pháp luật Việt Nam ngăn cấm.
Cụ thể, Điều 148, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào có một trong những hành vi sau đây (đã bị xử lý hành chính về hành vi mà vẫn vi phạm) thì phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm: Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn; cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của toà án buộc chấm dứt quan hệ đó.
Mặc dù quy định tội danh tảo hôn rất cụ thể và khung hình phạt khá nặng nhưng trong thời gian qua vẫn có người dân vi phạm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, từ khi Bộ luật Hình sự 1999 có hiệu lực đến nay rất ít trường hợp tổ chức tảo hôn và tảo hôn bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính chứ chưa nói đến xử lý theo khung pháp luật hình sự. Ông Lầu A Chinh, Phó trưởng phòng An ninh xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Qua quá trình công tác, tôi thấy vấn đề tảo hôn xảy ra ở nhiều vùng trong tỉnh nhưng cấp chính quyền cơ sở mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở hoặc nặng là xử phạt hành chính. Cơ quan tố tụng chưa vào cuộc để xử lý hình sự đối với tội danh tảo hôn bởi còn nhiều sự băn khoăn, vướng mắc. Đặc biệt người dân cho rằng đây là việc không nên làm nhưng những đôi nam, nữ trẻ đã yêu thương nhau thật lòng thì việc tổ chức kết hôn là tất yếu và không thể cho đó là tội phạm phải tuyên án để xử tù…
Cùng với đó là nhận thức của người dân hiện nay đã được nâng lên nên việc tảo hôn không còn diễn ra phổ biến mà những trường hợp tảo hôn đều có những có lý do rất riêng. Một phụ nữ làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình ở huyện vùng cao Võ Nhai khi được hỏi về việc tảo hôn ở địa phương, cho biết: Hầu hết các cháu nam, nữ trong độ tuổi trước 20 đều đi học hoặc đi công nhân nên việc xây dựng gia đình sớm ít xảy ra. Một số trường hợp tảo hôn là do có chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân, mang bầu nên gia đình buộc phải tổ chức lễ cưới. Ông Đỗ Đức Trọng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh có ý kiến: Tập tục, truyền thống của một số cộng đồng người Việt thường tổ chức xây dựng gia đình trước tuổi 20 và cho đây là việc làm bình thường. Xét về mức độ nguy hiểm thì tảo hôn có ảnh hưởng tới đời sống xã hội vì tâm sinh lý con người chưa phát triển hoàn thiện để thực hiện sinh đẻ, lo toan mọi việc trong cuộc sống. Nhưng tảo hôn không phải là nguyên nhân gây mất an ninh trật, an toàn xã hội nên để tội danh này trong Bộ luật Hình sự.
Ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh khi đóng góp vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đều đồng thuận việc bãi bỏ tội danh tảo hôn và đề nghị các cơ quan chuyên môn, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức rõ đây là việc không nên làm.