Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) có một điểm rất mới đó là quy định tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 189, chương XVII).
Nội dung cụ thể của Điều 189 về “Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” như sau:
“1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội từ 02 lần trở lên;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Thực tế hiện nay, pháp luật nước ta đã cho phép mang thai hộ, cụ thể ở Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) năm 2014, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đã có nhiều điều luật quy định về quyền, điều kiện mang thai hộ. Ngoài ra, ngày 28-1-2015, Chính phủ có Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là một vấn đề pháp lý hoàn toàn mới tại Việt Nam, quy định cho phép mang thai hộ là phù hợp với nguyện vọng rất chính đáng của nhiều người và không trái đạo đức xã hội.
Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) và Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã nhen nhóm lên niềm hy vọng của rất nhiều cặp vợ chồng mong muốn có một đứa con. Điều kiện quy định người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ, cùng với một số điều kiện nghiêm ngặt khác là cần thiết đảm bảo cho vợ chồng hiếm muộn có thể có con và tránh được rủi ro trong mang thai hộ. Nhưng thực tế là, có những cặp vợ chồng ở Việt Nam muốn lựa chọn người thuê mang thai hộ, mục đích có một đứa con đảm bảo khỏe mạnh, thông minh hơn thì buộc phải thông qua giá trị thương mại mới tốt. Tuy nhiên, nếu theo quy định tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) này lại khiến người hiếm muộn sinh con không có nhiều sự lựa chọn để có người con như ý muốn.
Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh về vấn đề này như sau: Pháp luật đã quy định khá cụ thể, chặt chẽ về trình tự, thủ tục, các biện pháp kỹ thuật để thực hiện việc mang thai hộ. Việc mang thai diễn ra trong một khoảng thời gian không hề ngắn, chi phối ràng buộc đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm của người mang thai, chưa kể công tác chuẩn bị, cũng như lúc sinh nở. Về bản chất, đó đã là một hoạt động nhân văn, nhân đạo. Còn xét về nguyên tắc, thì người đứng ra chắp mối, tổ chức thực hiện hoạt động nhân văn, nhân đạo và được pháp luật thừa nhận này không vi phạm pháp luật. Bản thân người có nguyện vọng có con hoặc người được nhờ mang thai hộ cũng không thể tự mình thực hiện được việc này. Bởi vậy cần phải có sự đồng ý, hỗ trợ, giúp sức từ phía cơ quan tổ chức và cá nhân có thẩm quyền, có chuyên môn.
Qua trao đổi với một số cán bộ, bác sĩ làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế về vấn đề này, chúng tôi được biết, đây vốn là các đơn vị sự nghiệp có thu, vì vậy sẽ vô cùng khó khăn cho họ để xác định trường hợp nào tổ chức mang thai hộ là vì mục đích thương mại hay nhân đạo vì xác nhận người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ là người thân cùng họ hàng không phải là trách nhiệm của bệnh viện mà phải là chính quyền địa phương. Nhưng cho dù là mục đích gì đi chăng nữa, thì vẫn không thể phủ nhận cái cốt lõi của quan hệ mang thai hộ là hoạt động nhân văn và được pháp luật thừa nhận.
Quy định của Điều 189 nhằm loại bỏ tình trạng một người có thể mang thai hộ nhiều lần và vì mục đích thương mại sẽ làm giảm đi tính nhân đạo của việc mang thai hộ. Tuy nhiên, nếu cho rằng việc tổ chức mang thai hộ là tội phạm thì quá nghiêm khắc. Và sẽ rất khó cho công an địa phương (hoặc không thể) xác nhận được người nhờ và người mang thai hộ là bà con thân thích, việc đánh giá chứng cứ và truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này là không khả quan. Vì vậy, theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, nên cân nhắc kỹ trước khi đưa điều khoản này vào trong Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).