Ngày 1-9, đồng chí Trương Thị Huệ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội; Dương Văn Lành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; đại diện Sở Tư pháp, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh.
Dự án Luật Báo chí gồm 6 chương, 61 điều quy định tổ chức và hoạt động của báo chí; quyền tự do báo chí; quyền tự do ngôn luận báo chí của công dân; quyền và nghĩa vụ của cơ quan tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí; quản lý Nhà nước về báo chí.
Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến tham gia đóng góp vào nhiều nội dung, điều khoản của dự án Luật thể hiện sự quan tâm, nghiên cứu sâu của các đại biểu. Trong đó, nhiều vấn đề được tập trung tham gia, góp ý như: cần giải thích rõ hơn một số từ ngữ quy định trong Luật; quy định hoạt động, cách thức sử dụng tin, bài của trang thông tin điện tử; nên quy định hoạt động báo chí của cơ quan hội nhà báo; nên quy định phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo; nhà báo là một nghề đặc thù cần được hưởng chế độ phụ cấp nghề nghiệp; không cấp thẻ nhà báo cho cộng tác viên của các cơ quan báo chí gây khó khăn trong công tác quản lý; liên kết trong hoạt động báo chí phải có giới hạn; cần phân biệt rõ trang thông tin điện tử và báo điện tử; cân nhắc việc quy định việc được thành lập cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn đời sống và sự phát triển, chế độ xã hội. Luật nên quy định cơ quan truyền thanh - truyền hình cấp huyện, cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan báo chí; quy định rõ hơn về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí; mô hình tổ chức các chức danh lãnh đạo trong cơ quan báo chí cần nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tế...
Các ý kiến đóng góp đưa ra trong Hội nghị sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp thu, tổng hợp để gửi, đóng góp vào dự án Luật trong kỳ họp Quốc hội tới.