Nghị quyết phải bắt nguồn từ cuộc sống

15:20, 24/09/2015

Nghị quyết của Đảng chính là ý chí, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và mục tiêu khi nghị quyết được ban hành để hiện thực hóa trong đời sống xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Muốn làm được điều đó, trước hết nghị quyết phải bắt nguồn từ cuộc sống.

Dư luận xã hội cho rằng, hầu hết các nghị quyết của Đảng ban hành đều rất đúng, rất trúng, từng bước sát với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân, mang lại nhiều kết quả hết sức quan trọng, to lớn, tạo sự chuyển biến rõ nét trên nhiều mặt của đời sống xã hội.

 

Tuy nhiên, trong thực tế, hiệu lực, hiệu quả của không ít nghị quyết chưa cao, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đáng chú ý, việc ban hành, cũng như tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống còn không ít khó khăn, hạn chế. Có người còn cho rằng "nghị quyết thất thoát" nhiều khi về đến cơ sở. Trong đó, nguyên nhân từ việc nghị quyết ra đời chưa bắt nguồn từ cuộc sống.

 

Trên thực tế, người ta thường nói nhiều đến việc đưa nghị quyết vào cuộc sống chứ ít khi đề cập đến việc ngược lại,  đó là đưa cuộc sống vào nghị quyết. Muốn đưa nghị quyết vào cuộc sống thì trước hết, nghị quyết đó phải bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của người dân.

 

Trong khi ở một số cấp ủy, nhất là cấp cơ sở, vẫn còn tình trạng cấp trên ban hành nghị quyết, văn bản gì thì cấp mình cũng có nghị quyết, văn bản đó, có khi “sao chép” nguyên cả thể loại và nội dung, mà không cụ thể hóa cho phù hợp với địa phương, đơn vị mình. Hay tình trạng “chạy” nghị quyết và xem đó như “cây gậy” để “đi cho vững” mà không xem xét đến yếu tố nghị quyết đó sẽ phục vụ gì cho cuộc sống.

 

Chính vì những nghị quyết được ra đời không bắt nguồn từ cuộc sống nên khi đi vào cuộc sống đạt hiệu quả chưa cao hoặc chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí nó chẳng mang lại lợi ích gì cho Nhà nước và nhân dân. Điều này dẫn đến không ít những hạn chế, yếu kém trong đời sống xã hội chậm được khắc phục, tạo thành lực cản của sự phát triển, gây mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

 

Một nghị quyết sát, đúng khi ban hành và triển khai trong thực tiễn chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp cũng như phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Ví dụ, một xã A, khi xây dựng Nghị quyết về bê tông hóa đường làng ngõ xóm, nếu khảo sát kỹ thực trạng, tham khảo ý kiến nhân dân, dựa vào tình hình cụ thể của xã để xây dựng thì nghị quyết đó sẽ đi vào cuộc sống.

 

Ngược lại, một nghị quyết chưa sát với thực tiễn sẽ ảnh hưởng đến quá trình lãnh đạo, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và mất mát lớn nhất là mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Cũng xã A đó, nếu xây dựng nghị quyết về bê tông hóa đường làng ngõ xóm, nếu không làm các khâu nêu trên mà chạy đua theo xã bên cạnh thì chắc chắn mức độ hoàn thành sẽ chỉ là trên trang giấy…

 

Hiện nay, các đảng bộ tỉnh, thành phố và các đơn vị tương đương đang tổ chức đại hội đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó phần quan trọng được các đại hội đầu tư nhiều là xác định nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể trong 5 năm tới. Để làm được nhiệm vụ đó thì trước hết phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, mà trước hết là bắt đầu từ lợi ích của nhân dân.

 

Ở nhiều đại hội cơ sở, hầu hết các ý kiến đều thống nhất một nhận định: Để đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào nghị quyết. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nghị quyết và triển khai nghị quyết trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 ở nhiều đảng bộ các cấp trong cả nước.

 

Thiết nghĩ, muốn có được nghị quyết đúng, trúng, hợp lòng dân thì trước hết phải đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính sách... do đó, phải khắc phục triệt để tình trạng sao chép nghị quyết của cấp trên thành nghị quyết của cấp mình. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Đảng phải phù hợp với thực tiễn và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trước khi ban hành nghị quyết phải được khảo sát đánh giá "hỏi dân", thẩm định nội dung, phù hợp với quy luật khách quan, phải từ cuộc sống, vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của người dân và đất nước, dự báo đúng và trúng, tránh duy ý chí. Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa việc ra nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết trong cuộc sống.

 

Muốn làm được điều đó thì vai trò của người đứng đầu chiếm một vị trí rất quan trọng. Đó không chỉ là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống, mà còn là một biện pháp căn bản, cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng. Đó cũng chính là cách thể hiện rõ vai trò cầm quyền, làm tròn sứ mệnh lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước phát triển của Đảng. Làm tốt điều này nhằm góp phần làm cho mỗi nghị quyết của Đảng khi được ban hành, cũng như tổ chức triển khai, thực hiện luôn đứng trên quan điểm: “Ý Đảng hợp lòng dân”./.